Khi thời điểm hàng trăm ngàn học sinh thuộc thế hệ gen Z đang nộp đơn xét tuyển, những nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh và cả những nhà tuyển dụng cùng chung câu hỏi: Cần chuẩn bị như thế nào để những thanh niên, sinh viên này lúc ra trường có thể đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động?
Thế hệ lao động trẻ Gen Z được kỳ vọng là đầy năng lượng và sức sáng tạo. Ảnh minh họa. (Nguồn: Toquoc) |
Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động với nhiều loại công nghệ mới ra đời, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), đòi hỏi những bước chuyển dịch về kỹ năng lao động, nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu mà các công ty và xã hội cần.
Thị trường việc làm biến động và nhiều công việc truyền thống đang biến mất hoặc thay đổi rất nhanh. Có một thực tế là, thế hệ Z tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi tìm kiếm việc làm.
Vậy những nhà đào tạo và chính các những người trẻ gen Z ấy cần chuẩn bị những gì để đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động?
AI định hình lại ngành giáo dục
Trước thực tế AI đang định hình lại thế giới công việc khi vượt trội trong nhận dạng mẫu và xử lý thông tin, đặt ra câu hỏi về tương lai tồn tại của các công việc dựa trên thông tin. Do vậy, ở nhiều quốc gia, ngành giáo dục đang tăng cường đưa vào chương trình giảng dạy những kỹ năng được cho là cần thiết trong thế kỷ này, chẳng hạn như kỹ năng công nghệ thông tin và kiến thức về thế giới số…
Báo cáo về Tương lai việc làm của Diễn đàn Kinh tế thế giới dự đoán rằng hơn 50% công việc sẽ bị tác động đáng kể bởi AI trong 3 năm tới. Rất nhiều nhà giáo dục trên thế giới ý thức được sự cần thiết của việc sử dụng AI nhằm nâng cao phương pháp giảng dạy và chuẩn bị cho thế hệ thanh niên nhiều loại kỹ năng để tồn tại và có đủ năng lực thích ứng một tương lai bị chi phối bởi nhiều yếu tố.
Cũng cần nhắc thêm, các nghiên cứu giáo dục gần đây chỉ ra rằng, chúng ta cần một chương trình giảng dạy phát triển các “kỹ năng cho thế kỷ XXI”, trong đó, người ta coi trọng giáo dục dựa trên kỹ năng (SBE – Skills based Education), chứ không phải giáo dục dựa trên kết quả (OBE – Outcomes – based Education).
Để thành công, gen Z cần tập trung vào hai nội dung chính: kỹ năng số và khả năng thích ứng với sự thay đổi. Trong đó, khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi được nhắc đến ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19.
Gen Z cần học cách định hướng cho những thay đổi sẽ “tràn ngập” cuộc sống của họ. Ảnh minh họa. (Nguồn: cafe quản trị) |
“Kỹ năng của thế kỷ XXI” là gì?
Mọi ngành nghề đều có khả năng thay đổi bất cứ lúc nào, hơn nữa, lại thường xuyên bị gián đoạn bởi những ý tưởng và phương pháp mới. Những ngành chưa bị gián đoạn không phải là miễn nhiễm mà có thể là chưa thay đổi.
Với suy nghĩ đó, thế giới đã bước vào kỷ nguyên không có gì chắc chắn. Gen Z sẽ cần học cách định hướng hoặc phản ứng với những thay đổi sẽ “tràn ngập” cuộc sống của họ, nếu không, sẽ bị tụt hậu hoặc dễ rơi vào trầm cảm.
Mặc dù yêu cầu về các “kỹ năng của thế kỷ XXI” nằm trong quy luật vận hành chung của dòng chảy xã hội, nhưng giờ đây chúng đang trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết trong thị trường lao động toàn cầu đang phát triển nhanh hơn từng ngày.
Đối tác vì kỹ năng thế kỷ XXI (P21 – Partnership for 21 st Century Skills của Hoa Kỳ) là một tổ chức uy tín cung cấp các kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường thế kỷ XXI. Hiện tổ chức này triển khai chương trình giáo dục với khuôn khổ “4 chữ C” tại hầu hết các trường học ở Hoa Kỳ.
P21 tin rằng nền tảng của việc học thế kỷ XXI là tiếp thu kiến thức chính về môn học và các trường học phải xây dựng trên nền tảng đó với các nhóm kỹ năng bổ sung, bao gồm nhóm kỹ năng học tập, nhóm kỹ năng sống và nhóm kỹ năng thông hiểu.
Nhóm kỹ năng học tập (Learning skills): Thể hiện bởi “4 chữ C” của việc học thế kỷ XXI tương ứng lần lượt là: critical thinking (tư duy phản biện), communication (giao tiếp); cooperation (hợp tác) và creativity (sáng tạo).
Nhóm kỹ năng sống (Life skills) : Giúp một người bảo đảm rằng họ có thể có một cuộc sống thành công và độc lập cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp. Cụ thể hơn trong nhóm kỹ năng sống, người trẻ cần chuẩn bị và phải có 5 kỹ năng quan trọng bao gồm:
Thứ nhất, linh hoạt: Thay đổi kế hoạch khi cần thiết, giải quyết vấn đề sáng tạo và có tư duy đổi mới, tiến bộ.
Thứ hai, lãnh đạo: Thúc đẩy nhóm hoàn thành mục tiêu.
Thứ ba, sáng kiến: Tự mình bắt đầu các dự án, chiến lược và kế hoạch.
Thứ tư, năng suất: Duy trì làm việc hiệu quả trong thời đại nhiều thứ gây xao nhãng.
Thứ năm, kỹ năng xã hội: Gặp gỡ và kết nối với người khác để cùng có lợi.
Nhóm kỹ năng thông hiểu (Literacy skills): Thông hiểu thông tin, phương tiện truyền thông và công nghệ.
Bên cạnh đào tạo những nhóm kỹ năng trên, các cơ sở giáo dục cần có thêm kế hoạch để thúc đẩy một nền văn hóa khơi dậy sự tò mò, sáng tạo và đồng cảm.
Với việc AI đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc thường ngày, trong thị trường lao động tương lai, đòi hỏi lao động phải có các kỹ năng mềm mà AI không có được như lòng trắc ẩn, sự cởi mở và tính linh hoạt. Bởi vậy, trang bị cho người trẻ những nhóm kiến thức và kỹ năng trên là một phần giải pháp, giúp họ tự tin hơn rất nhiều trên bước đường hội nhập trong tương lai.
Nguồn: https://baoquocte.vn/can-trang-bi-cho-gen-z-nhung-ky-nang-the-ky-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-tren-thi-truong-lao-dong-280615.html