Thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 23-6, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật, nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn công trình quốc phòng, khu quân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng
Góp ý tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh đánh giá cao cơ quan soạn thảo (Bộ Quốc phòng) đã khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội góp ý trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại biểu Hà Thọ Bình cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở nâng cấp của Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và luật hóa các quy định, nghị định, thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế.
“Việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đại biểu Hà Thọ Bình khẳng định.
Đại biểu Hà Thọ Bình: Việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. |
Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cũng khẳng định: Từ năm 1994 đến nay, việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, các quy định của Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các địa phương có các công trình quốc phòng, khu quân sự đang tồn tại.
Chính vì vậy, việc nâng cấp từ pháp lệnh thành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm bảo đảm cho việc tài sản nhà nước được quản lý, xây dựng, bảo vệ một cách hiệu quả hơn để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với các văn kiện nghị quyết của Đảng trong thời gian vừa qua cũng như triển khai thi hành đồng bộ Hiến pháp 2013, bảo đảm tính tích hợp đồng bộ, thống nhất với các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang hiện hành.
Xây dựng luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng
Góp ý vào dự thảo luật, Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó tư lệnh Quân khu 7, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình và thống nhất với việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
“Việc xây dựng luật là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, giúp cho công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được chặt chẽ, hiệu quả hơn”, đại biểu Đặng Văn Lẫm nói.
Đại biểu Đặng Văn Lẫm: Việc xây dựng luật là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng. |
Đại biểu Đặng Văn Lẫm đã dành nhiều thời gian phân tích về sự cần thiết xây dựng luật. Theo đó, công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước được giao cho quân đội và chính quyền địa phương các cấp tổ chức xây dựng, sử dụng, quản lý, bảo vệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Mặt khác, đại biểu Đặng Văn Lẫm cũng nêu thực tiễn trong thời gian qua, việc xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự diễn ra phức tạp. Cụ thể, các kho của Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thành phố, tỉnh do đóng quân ở vị trí trung tâm, mật độ dân số cao, diện tích hẹp, không bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố; các trạm thông tin, bãi phát xạ ăng ten bị hạn chế ảnh hưởng bởi các dự án kinh tế – xã hội, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng…
“Do vậy, việc quy định các hoạt động trong phạm vi bảo đảm công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự là hết sức cần thiết và phù hợp”, đại biểu Đặng Văn Lẫm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, đoàn Bình Phước nêu quan điểm: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và luật hóa những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm của 3 nghị định của Chính phủ về ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1995; về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý; về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2013.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đồng tình với việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. |
Rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan Tuy nhiên, qua thảo luận, để cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung và đánh giá cụ thể hơn tác động của các chính sách được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, cung cấp số liệu cụ thể, rõ ràng, nhất là các tác động về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, các tác động đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân, các giải pháp, nguồn lực để thực hiện chính sách nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay. Trong đó có các nội dung liên quan đến quản lý xác nhận phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm tính thực thi khi tổ chức thực hiện. Ngoài ra, theo các đại biểu, để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và các luật được sửa đổi, bổ sung ban hành mới đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua; đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hoạt động quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định trong dự thảo luật với các quy định của các pháp luật có liên quan… |
NGUYỄN THẢO