Kinhtedothi- Hiện nay, việc đặt tour, phòng khách sạn bằng hình thức trực tuyến trở nên phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã giả mạo doanh nghiệp du lịch, khách sạn, lập trang web, facebook, zalo… lừa khách chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Chiêu trò tinh vi
Thời gian gần đây, dư luận hoang mang việc một nữ du khách đã bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ dưỡng tại khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà resort & spa Ninh Bình qua một fanpage Facebook giả mạo. Đây không phải là lần đầu tiên du khách bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt phòng khách sạn, tour du lịch qua mạng.
Mới đây, Hotel Premier Pear Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc bị một số trang mạng xã hội mạo danh khách sạn để lừa đảo bán phòng cho du khách, trong đó có người chuyển số tiền gần 100 triệu đồng.
Thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can Phạm Trung Anh trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 6/2022 đến nay, đối tượng Phạm Trung Anh, đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo như "Tường Ánh", "Bống Bống", "Phạm Quyết", "Trần Quang Anh" để lừa đảo chiếm đoạt 100 triệu đồng của nhiều bị hại.
Thực tế cho thấy, với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, không ít người tiêu dùng vẫn tìm kiếm các tour, vé máy bay giá rẻ hay “săn” voucher giảm giá phòng khách sạn. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã tung các thông tin “siêu giảm giá” 30 - 50% để lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng, khiến du khách lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Unique Tours Phạm Đình Hà cho hay, một trong những thủ đoạn mà kẻ gian thực hiện để lừa đảo du khách là đưa ra các combo có giá siêu rẻ với dịch vụ đạt chuẩn 5 sao. Ngoài ra còn có thủ đoạn lừa khách mua vé rẻ hơn thị trường khoảng 1 - 1,5 triệu đồng, nhưng vẫn sử dụng được vì đối tượng đăng ký mua vé máy bay trả góp. Khách hàng sau khi sử dụng sẽ bị đòi tiền từ các ứng dụng du lịch trả góp. “Để qua mắt lực lượng chức năng sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc”– ông Hà thông tin.
Nhận biết thủ đoạn để phòng tránh
Thông tin về những chiêu trò lừa đảo du khách đặt phòng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, để lừa đảo người tiêu dùng, nhiều nhóm đối tượng lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ facebook. Những đối tượng này sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin với du khách.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Phạm Duy Phong cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xuất hiện tình trạng lừa đảo du khách khi đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ qua mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo thường giả mạo website, fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín hoặc tạo tài khoản mạng xã hội để đăng tin khuyến mãi, giảm giá lừa đảo khách đặt phòng chuyển khoản thanh toán trước để chiếm đoạt.
Phân tích việc người tiêu dùng dễ bị lừa đảo trong quá trình đặt phòng khách sạn, mua tour du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài nêu rõ, nguyên nhân chính là người dân nhẹ dạ, cả tin, không nắm rõ thông tin về trang web, tài khoản Facebook, địa chỉ liên hệ của công ty du lịch, khách sạn trước khi tiến hành giao dịch. Khi đặt phòng trực tuyến khách hàng cũng không tìm hiểu kỹ thông tin về số lượng, loại phòng, địa chỉ khách sạn… Để lừa người tiêu dùng đối tượng lừa đảo thường tự nhận là chủ khách sạn nên sẵn sàng giảm giá 50%, đồng thời khuyến mại thêm nhiều phần quà nếu khách đặt phòng nghỉ sớm…
Trước tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực du lịch, Cục Du lịch Quốc gia yêu cầu Sở Du lịch các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo.
Để tránh "tiền mất tật mang", Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân trước khi quyết định đặt phòng khách sạn, tour cần kiểm tra kỹ địa chỉ website. Các trang web đáng tin cậy thường có chứng chỉ bảo mật (biểu tượng khóa ở góc trên bên trái của trình duyệt) và có địa chỉ rõ ràng. Tránh những website có tên miền lạ hoặc không có chứng nhận bảo mật.
Tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn bạn muốn đặt thông qua các trang như: TripAdvisor, Google Reviews, hoặc các trang đặt phòng uy tín thường có những đánh giá chi tiết của du khách trước đó. Không tin tưởng những Fanpage quảng cáo đặt phòng với mức giá quá rẻ so với thị trường.
Trước khi thanh toán, khách hàng cũng cần chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn hoặc homestay thông qua thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ. Đặc biệt không làm theo các yêu cầu chuyển tiền cho các đối tượng vì những lý do sai cú pháp nhắn tin, bị treo tiền trên hệ thống... Tuyệt đối không tải xuống ứng dụng lạ hay ấn vào các đường link không xác định từ bên thứ ba. Khách hàng chỉ nên đặt phòng qua các nền tảng uy tín như: Booking.com, Agoda.
Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lừa đảo khách hàng khi đặt mua tour, phòng khách sạn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản khuyến cáo du khách cần tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, tra cứu trên hệ thống, lấy số điện thoại có đăng ký Zalo gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ham-tour-gia-re-can-than-tien-mat-tat-mang.html
Bình luận (0)