Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, những nhà sáng chế cũng cần được bảo vệ và đảm bảo sẽ nhận được giá trị xứng đáng từ công sức của mình.
Tại buổi kỷ niệm 9 năm thành lập, Hội Sáng chế Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Vượt vũ môn dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ”.
Sáng chế là nguồn lực định hình tương lai
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ – cho rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là nền tảng mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững.
Theo đó, bối cảnh toàn cầu hiện nay đang đặt ra những yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Từ đó, hoạt động sáng chế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những công nghệ mới, những phát minh sáng tạo có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất và bảo vệ môi trường.
“Trong bối cảnh này, sáng chế không chỉ là sản phẩm của trí tuệ cá nhân mà là nguồn lực chiến lược để định hình tương lai phát triển của quốc gia. Việt Nam đang có những cơ hội lớn để vươn lên nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, các sáng chế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến, từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Sự hợp tác giữa các nhà sáng chế, tổ chức R&D và doanh nghiệp sẽ mở ra những con đường mới cho thương mại hóa sáng chế, biến các ý tưởng thành sản phẩm hữu ích, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế.
Chia sẻ quá trình ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo của một số quốc gia từng có bối cảnh tương tự Việt Nam, Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng để sáng chế được khuyến khích và bảo vệ, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm rằng những nhà sáng chế được bảo vệ và nhận được giá trị xứng đáng từ công sức của mình. Điều này cũng giúp tạo ra môi trường sáng tạo lành mạnh và bền vững.
“Thúc đẩy hoạt động sáng chế trong bối cảnh mới không chỉ là một yêu cầu mà còn là cơ hội lớn cho Việt Nam. Nếu chúng ta có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho sáng chế phát triển, kết nối chặt chẽ giữa khoa học, công nghệ, doanh nghiệp và chính sách, tôi tin rằng các sáng chế sẽ trở thành động lực chủ chốt cho sự phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ – cho rằng các chính sách về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo nên là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và các ngành, lĩnh vực.
Việc phát triên hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Cần làm chủ công nghệ lõi
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI của Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII đã định hướng Việt Nam cần phải xây dựng nền tảng vững chắc về công nghệ thông tin, từng bước làm chủ công nghệ lõi và công nghệ nền nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn dữ liệu số, vận hành Chính phủ số an toàn thông suốt và phát triển bền vững nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.
Chỉ khi làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền, Việt Nam mới không phụ thuộc vào các nước cung cấp công nghệ, thiết bị công nghệ. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, của các ngành, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trên không gian số sẽ được đảm bảo an ninh dữ liệu.
Để làm được điều đó, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – cho rằngViệt Nam cần phải làm chủ về đường truyền internet vệ tinh; Bản quyền thiết kế bo mạch và máy chủ (Server), tự chủ sản xuất các thiết bi đầu cuối. Đặc biệt là kiến tạo được nền tảng công nghệ mềm như trí tuệ nhân tạo (Al), chuỗi khối (Blockchain),Bigdata, Cloud,…
Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ vẫn gặp phải không ít khó khăn về thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao; Thiếu vốn đầu tư nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm, sản xuất; Thiếu năng lực cạnh tranh do các linh kiện, phụ kiện đều phải nhập khấu.
Ngoài ra, số lượng sản xuất sản phẩm quy mô còn nhỏ, chưa thế cạnh tranh về giá thành với thiết bị nhập khấu tương đương về chất lượng theo chuẩn quốc tế. Vì vậy sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tinh, IoT… “Make in Việt Nam” sản xuất ra chưa tiêu thụ được tại thị trường trong nước.
“Để kiến tạo, nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp nền tảng có năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam, tôi cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp lý về ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; công nghệ nền tảng mềm về AI, Blockchain…
Nhà nước cũng nên ban hành chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, bảo hộ tiêu dùng sản phẩm công nghệ cao “Make in Việt Nam””, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – nói.
Cũng theo ông Thắng, Nhà nước cũng nên có các Quỹ đầu tư công nghệ cao để đầu tư cùng với doanh nghiệp vào các dự án trọng điểm nghiên cứu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao “Make in Việt Nam”. Nhà nước sẽ là khách hàng ứng tiền (có điều kiện) cho doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế, sản xuất các thiết bị công nghệ cao đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thay thế cho các sản phẩm phải nhập khẩu.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/can-tao-moi-truong-thuan-loi-cho-sang-che-phat-trien/20241028125351851