Đề xuất 4 chính sách cấp bách
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế (BHYT).
Để các định hướng, chiến lược trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và nghị quyết của Quốc hội được thể chế vào luật, bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến bảo hiểm y tế đặt ra yêu cầu cần khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật BHYT.
Bên cạnh đó, việc trình sửa luật cũng nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất 4 chính sách: Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BhYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn
Thứ ba, điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thứ tư, phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
“Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án luật vào chương trình, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV)”, ông Lê Thành Long cho biết.
Trinh bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ủy ban này và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về lý do chưa sửa đổi toàn diện luật này, lộ trình sửa đổi toàn diện để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT và khắc phục toàn diện các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong tổ chức thực hiện BHYT.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, làm cả thứ bảy
Đồng tình với quan điểm cho rằng “không còn độ lùi” với dự án luật này vì thực sự rất cấp thiết, đáng ra phải được trình sửa toàn diện từ lâu, song Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng việc đảm bảo chất lượng, đúng quy trình để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 9 là một thách thức với cơ quan soạn thảo vì còn rất nhiều việc phải làm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dù là cấp bách, khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện, tránh “làm sơ sơ mà thẩm định không đạt lại uổng công”. Hơn nữa, theo đánh giá Luật BHYT hiện hành có tới 120 bất cập, vướng mắc, nên việc lựa chọn sửa một số nội dung cấp bách cần được đánh giá kỹ.
“Luật cấp bách nhưng Bộ Y tế, Chính phủ có làm được hay không? Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp để xem xét”, ông Trần Thanh Mẫn nói và đề nghị các cơ quan phải thật sự quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực thực hiện thì mới kịp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chỉ còn thời gian trung tuần tháng 9 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này. Nếu Chính phủ nỗ lực trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, làm cả thứ bảy.
Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, để tạo điều kiện cho Chính phủ, trước mắt cho “kéo pháo vào”, đến thời điểm phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chưa đạt thì phải “kéo pháo ra”. Bên cạnh tuân thủ quy trình, các cơ quan cần “tác chiến song song” để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết với 100% thành viên có mặt đồng ý bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội thông qua tại 1 kỳ họp.
Đồng thời, giao Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra, cùng các cơ quan sau phiên họp này tham gia ngay từ đầu để kịp trình UBTVQH tại phiên họp tháng 9/2024.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-tac-chien-song-song-de-dam-bao-dung-thoi-han-sua-luat-bao-hiem-y-te-192240822174328146.htm