BTO-Sáng nay 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu tối đa ý kiến của các chuyên gia và ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 và hội nghị ĐBQH Hoạt động chuyên trách tháng 4 vừa qua.
Góp ý cụ thể về các hình thức lựa chọn nhà thầu, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Tại điểm a khoản 2 Điều 22 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có quy định đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Để có cơ sở thực hiện phù hợp với thực tế, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị xem xét bổ sung quy định rõ về tiêu chí để xác định gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù để thực hiện đúng theo quy định hoặc giao Chính phủ có Nghị định hướng dẫn cụ thể. Vì nếu không xác định rõ tiêu chí sẽ dẫn đến tùy nghi áp dụng và dễ dẫn đến sai phạm.
Về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo: Đối với Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị ở cấp địa phương quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 96, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị phải bổ sung và phân định rõ trách nhiệm giải quyết của cấp tỉnh và cấp huyện cho phù hợp với thực tiễn.
Tại Điều 19 quy định Tổ chuyên gia, tổ thẩm định, khoản 3 dự thảo luật quy định: “Thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu, dự án hoặc có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án”. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể rõ ràng hơn để có cơ sở áp dụng. Theo đại biểu, phải quy định cụ thể gói thầu mua sắm hàng hóa trong lĩnh vực nào hoặc hàng hóa nào thì yêu cầu phải có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu.
Tại điểm h, khoản 1, Điều 23 dự thảo quy định chỉ định thầu quy định: “Gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom, mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng” – theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, hiện nay có rất nhiều nhà thầu đủ năng lực kinh nghiệm để triển khai đối với các công tác này. Do vậy, để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, giảm chi phí, đề nghị không áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, tại Điều 36 – Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông không nên quy định về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể và đề nghị tiếp tục thực hiện việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo như quy định của Luật Đấu thầu 2013.
Tại Điều 43 – Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, điểm d khoản 1 quy định “Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất”. Đại biểu Thông đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn về các nội dung “gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao” là những trường hợp nào và thế nào là “trường hợp cần thiết” trường hợp nào là không cần thiết để có cơ sở thực hiện. Vì sẽ có trường hợp bên mời thầu, chủ đầu tư xác định “không cần thiết” nhưng các cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra, đánh giá và kết luận là “cần thiết”…