(Tổ Quốc) – Việc đồng bào Chứt ở Quảng Bình với trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các nhóm người, sinh sống trên các vùng địa hình khác nhau, tập quán sản xuất lạc hậu, địa hình chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo cao, tất yếu dẫn đến nhiều khó khăn về phát triển văn hóa. Để bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào Chứt trong điều kiện nền kinh tế thị trường là một điều hết sức khó khăn…
Giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt
Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chứt đã được ổn định và cải thiện dần, việc tìm hiểu về cội nguồn bản sắc văn hóa của họ cực kỳ quan trọng, không để văn hóa của họ bị phủ mờ theo thời gian. Đặc biệt, tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng dân tộc Chứt ở Quảng Bình, một bộ phận của văn hóa Chứt trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng cùng cộng đồng các dân tộc anh em là công việc cần thiết, cấp bách.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không làm mất đi bản sắc dân tộc của họ. Bên cạnh việc xây dựng lối sống tiến bộ trong các tộc người của dân tộc Chứt, cần củng cố phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo đức, lối sống truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa mới phù hợp với đồng bào Chứt trong đời sống mới. Các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chứt ở miền Tây Quảng Bình phản ánh những nét sinh hoạt, khát vọng của họ về nhiều mặt, thể hiện trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của họ tại nơi mình cư trú, khẳng định các giá trị bền vững của bản sắc văn hóa mà tự bao đời họ xây đắp nơi miền Tây biên giới.
Trong những năm gần đây, dẫu được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của đồng bào Chứt, công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào đã dần dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, nhận thức của một số nhóm tộc người Chứt về giá trị di sản văn hóa tại một số bản, làng chưa đúng nên ảnh hưởng tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị.
Do đó, trong thời gian tới cần có những giải pháp thiết thực, khả thi, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh tuyên truyền về cơ sở, về từng bản, từng tộc người Chứt, huy động kinh phí của nhà nước cho công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa. Rất cần những định hướng và giải pháp đúng đắn, hợp lý, phù hợp xu thế phát triển hiện nay, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, cùng chung tay với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chứt nói riêng.
Giải pháp bảo tồn cơ bản về văn hóa đồng bào Chứt
Theo ông Tạ Đình Hà, Chánh văn phòng Hội Di sản Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc bảo tồn cơ bản về văn hóa đồng bào Chứt tại Quảng Bình hiện này ở các địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ hoặc đang lúng túng trong việc lựa chọn các giá trị truyền thống, đặc trưng văn hóa tiêu biểu để bảo tồn, cũng như đã có một số giải pháp được thực hiện nhưng hiệu quả đưa lại chưa cao, thậm chí gây nên sự ngộ nhận đối với sứ mệnh bảo tồn văn hóa truyền thống của họ.
Vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định cuối cùng là, cần đưa vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống (văn hóa dân gian) vào trong nội dung Nghị quyết của các cấp chính quyền tại địa phương. Nếu không coi việc bảo tồn và phát huy giá trị tài sản vô giá này là việc cấp bách cần phải làm ngay, vì sau này dù có tiền, có phương tiện cũng không còn cơ hội để làm được…
Ông Tạ Đình Hà, Chánh văn phòng Hội di sản Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho hay.
Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Chứt là một câu chuyện cần trao đổi nhiều. Trước mắt, để cho những di sản văn hóa của họ không có nguy cơ mai một thì cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về giá trị của văn hóa các tộc người Rục, Arem, Mày, Sách, Mã Liềng trong công cuộc phát triển kinh tế văn hóa xã hội vùng núi Quảng Bình hiện nay.
Thực hiện các chính sách, quyết định của Thủ tướng chính phủ về trang cấp các phương tiện thông tin, truyền thông cho đồng bào, phổ cập thông tin trong cả nước và trong tỉnh. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 33 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên làm công tác phổ biến thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chứt nói riêng, đặc biệt là những chính sách đang thực hiện.
Hiện nay rất ít người sưu tầm là người Chứt, mà người khác đến thì ngôn ngữ bất đồng, “rất khó ghi chép lại được những áng văn hóa dân gian của dân tộc mình, đồng thời phải làm cho họ biết tôn trọng tiếng mẹ đẻ, tôn trọng văn hóa dân gian của dân tộc mình và có trách nhiệm cùng nhau bảo tồn và phát huy cho đúng giá trị nhân văn tốt đẹp của nền văn hóa dân gian dân tộc mình” do đó cần quan tâm đào tạo con em đồng bào Chứt trong việc sưu tầm các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Phải tập trung cho những mục tiêu trọng điểm, như bảo tồn những giá trị văn hóa của các tộc người có nguy cơ mai một cao, đó là các tộc người như Rục, Mày, Arem. Tiếp tục tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa giữa các vùng, các dân tộc. Giới thiệu đầy đủ bản sắc của từng tộc người, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, không tự ty, không bảo thủ, bảo đảm tính dân chủ trong công tác bảo tồn văn hóa.
Để thực hiện thì nhà nước tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho việc sáng tạo và phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình văn hóa về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức, lối sống lạc hậu, xóa bỏ hủ tục, xây dựng thôn, bản, phun, sóc văn hóa. Phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ dân trí cho người dân, bởi họ là chủ thể và là người thụ hưởng cái đẹp, cái độc đáo của nền văn hóa đó.
Chúng ta cần phải tiếp tục tổ chức sưu tầm, thống kê, khai thác các thông tin, lập danh mục các loại hình văn hóa phi vật thể còn tiềm ẩn ở dạng tiềm năng trong dân, trong các già làng, chủ đất, trưởng bản có nguy cơ mai một, hoặc có nguy cơ họ ra đi mãi mãi, sẽ mang theo cả “thư viện sống” xuống lòng đất. Ghi âm, ghi hình, in ấn thành sách. Xây dựng các đội văn nghệ, các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại thôn, bản.
Duy trì và phát huy các lớp truyền dạy văn hóa dân gian cho các thế hệ, đặc biệt là thanh thiếu niên dân tộc. Cần ưu tiên cho các mục tiêu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu đối với dân tộc Chứt, trong đó lưu ý đến lĩnh vực nghệ thuật diễn xướng và lễ hội, phục vụ đắc lực cho du khách khi muốn tìm hiểu, khám phá mảnh đất và con người nơi đây…
Nguồn: https://toquoc.vn/can-giai-phap-quyet-liet-trong-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-dong-bao-chut-20241118124917881.htm