CÓ NƯỚC MẮT, NHƯNG HÃY LÀ "ĐỒNG CẢM ĐỘNG VIÊN"
Bà Trần Lâm Thảo, giảng viên đa giác quan, Giám đốc TitBrain Education, cho biết khóc là một phản ứng tự nhiên của con người trước những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. Ở vai trò nhà trị liệu hay chuyên gia tâm lý, việc can thiệp để thân chủ khóc cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, tôn trọng và đồng cảm, với mục tiêu giúp thân chủ giải tỏa cảm xúc, chứ không phải thao túng hay gây tổn thương.
Việc khơi gợi cảm xúc, bao gồm cả nước mắt, ở trẻ em, học sinh (HS) trong quá trình giáo dục tâm lý có thể mang lại cả lợi ích và tác hại. Trong đó những lợi ích như giải tỏa cảm xúc, thể hiện sự đồng cảm, học cách quản lý cảm xúc. Nhưng nếu việc khơi gợi cảm xúc không được thực hiện đúng cách, nó có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ cảm thấy bị ép buộc, thao túng hay không an toàn, hoặc có thể khiến trẻ mất lòng tin. Ngoài ra, việc cố gắng làm cho trẻ khóc có thể gây phản tác dụng, khiến trẻ cảm thấy khó chịu, chống đối hoặc kìm nén cảm xúc của mình hơn nữa.
Bà Thảo khẳng định: "Giáo dục cho trẻ em về đạo đức, kỹ năng sống không nhất thiết phải làm các em khóc. Có một khái niệm trong đối thoại là "Motivational Enthusiasm" (Đồng cảm động viên). Đồng cảm động viên không tập trung vào việc làm cho người khác khóc, mà tập trung vào việc giúp họ cảm thấy được thấu hiểu, được đồng cảm và được khích lệ để vượt qua khó khăn".
Đồng cảm động viên giúp trẻ em cảm thấy được tin tưởng, được khích lệ và có động lực để cố gắng hơn. Ngoài ra, đồng cảm động viên giúp các em học cách nhận diện và quản lý cảm xúc của mình, phát triển các kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.
KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA CẢM XÚC - LÝ TRÍ - HÀNH ĐỘNG
Theo thạc sĩ Nguyễn Mộng Tuyền, Giám đốc điều hành Học viện Ngôn từ, việc làm cho HS khóc chỉ là hiệu ứng nhất thời, không phải tác động lâu dài. "Nếu không có những phương pháp giáo dục phù hợp để duy trì và củng cố những bài học, thì việc "khóc lóc" sẽ không mang lại hiệu quả giáo dục thực sự. Các em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức và giá trị sống để có thể tự mình vượt qua khó khăn, chứ không phải chỉ dựa vào cảm xúc nhất thời", bà Tuyền nhấn mạnh.
"Mục đích thật sự của giáo dục không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là khơi gợi tiềm năng, phát triển nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Việc tập trung vào cảm xúc nhất thời như khóc lóc có thể khiến chúng ta quên mất mục đích cốt lõi này. Thay vì tập trung vào việc khơi gợi cảm xúc tiêu cực, chúng ta nên hướng đến những phương pháp giáo dục tích cực, giúp HS phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất lẫn tinh thần, như học tập thông qua trải nghiệm, phát triển tư duy phản biện, khuyến khích sáng tạo... Điều này sẽ thật sự mang đến hiệu quả lâu dài, tích cực và nhiều hứng khởi hơn", bà Tuyền chia sẻ thêm.
Theo bà Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), phương pháp giáo dục hiệu quả nhất là kết hợp hài hòa giữa cảm xúc - lý trí - hành động. Khi các thầy cô, diễn giả khơi gợi được cảm xúc xúc động của HS, có được điểm chạm đầu tiên với người nghe như vậy là cảm xúc tốt. Sau đó hãy lý trí để đưa đến HS những thông điệp cụ thể, thiết thực để các em ghi nhớ. Đừng mải mê trong việc khiến HS khóc để rồi lợi bất cập hại.
TỰ NHẬN THỨC, TỰ HỌC QUA TÌNH HUỐNG THỰC TẾ
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ICS, nhà sáng lập Hệ thống trường mầm non - ngoại khóa TOMATO, khẳng định giáo dục cảm xúc thực sự phải được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết và hành động có ý nghĩa, không chỉ là việc kích thích cảm xúc một cách tạm thời. Cần tạo ra những cơ hội cho HS không chỉ cảm nhận mà còn hiểu và hành động từ những cảm xúc đó, giúp các em phát triển nhân cách vững vàng và bền vững.
Bà Uyên Phương khuyến khích việc giáo dục đạo đức và kỹ năng tập trung vào sự phát triển toàn diện của HS, khuyến khích các em tự nhận thức và tự học qua các tình huống thực tế. Qua đó, HS không chỉ rèn luyện kỹ năng giao tiếp mà còn học được cách đánh giá và ra quyết định dựa trên giá trị đạo đức của mình. Phương pháp học thông qua trải nghiệm, như tham gia các hoạt động tình nguyện cũng giúp HS thực hành các giá trị như lòng nhân ái, sự chia sẻ và trách nhiệm xã hội.
Cũng theo bà Uyên Phương, bên cạnh việc học qua các tình huống thực tế, cần có một lộ trình củng cố lâu dài. Giáo dục đạo đức và kỹ năng không thể chỉ dựa vào một lần truyền đạt mà phải có quá trình tiếp nối, với sự hướng dẫn và khuyến khích liên tục từ giáo viên. Việc tạo ra các cộng đồng hoặc hội nhóm, CLB của HS có tính chất nhắc nhở và giúp đỡ lẫn nhau cũng rất quan trọng, để HS có thể duy trì và phát huy các giá trị trong cuộc sống thực tế.
"Cuối cùng, chúng ta cần giúp HS nhận thức rằng hành động đúng đắn không phải là để làm hài lòng người khác, mà là để phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Hãy để các em có cơ hội trải nghiệm và tự khám phá cảm xúc, từ đó học cách tự quản lý cảm xúc và hành động có ý thức", bà Uyên Phương nhận định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-nuoc-mat-giao-duc-tre-em-loi-bat-cap-hai-can-huong-toi-phuong-phap-tich-cuc-185250206224005159.htm
Bình luận (0)