Nhiều bài toán mà người chiến thắng trong cuộc bầu cử tới cần sớm tìm lời giải để đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri Ai Cập.
Ông Abdel Fattah el-Sisi được dự đoán sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập tới. (Nguồn: EPA) |
Ngày 10-12/12 tới, cử tri tại Ai Cập sẽ thực hiện quyền công dân của mình trong bầu cử Tổng thống.
Cuộc đua năm nay có sự góp mặt của bốn chính trị gia gồm đương kim Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi với tư cách ứng viên độc lập; ông Abdel Sanad Yamama, lãnh đạo đảng tự do Wafd với khẩu hiệu “Cứu lấy Ai Cập”, ưu tiên phát triển kinh tế và giáo dục; ứng viên Hazem Omar, Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa doanh nhân với lập trường ủng hộ ông el-Sisi; ông Farrid Zahran, lãnh đạo đảng thiên tả Dân chủ xã hội Ai Cập, có quan điểm gần gũi với Tổng thống đương nhiệm.
Trước đó, ông Ahmed Altantawy, cựu lãnh đạo đảng al-Karama thiên tả và bà Gameela Ismail, Chủ tịch đảng al-Dostour, đã rời cuộc đua Tổng thống Ai Cập.
Theo luật bầu cử, nếu không có ai giành chiến thắng trên 50% số phiếu, vòng đối đầu giữa hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ diễn ra ngày 8-10/1/2024 tới.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, kịch bản này nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Bởi lẽ, đương kim Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi được đánh giá là sẽ tiếp tục chiến thắng một cách dễ dàng. Năm 2014 và 2018, nhà lãnh đạo này giành chiến thắng với 97% tỷ lệ ủng hộ. Lần này, kết quả có lẽ không phải là ngoại lệ: Dù chưa có khảo sát chính thức, song hiện ông el-Sisi nhận được sự ủng hộ của 424/596 nghị sĩ tại Hạ viện, áp đảo cả ba chính trị gia tham gia tranh cử còn lại.
Trong bối cảnh đó, điều thế giới quan tâm là liệu nhà lãnh đạo này sẽ làm gì để đưa đất nước vượt qua không ít thách thức, thể hiện rõ trên một số khía cạnh sau.
Đầu tiên, đó là nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn. Giá cả liên tục leo thang: Trong vài tuần, giá đường đã tăng tới 36%, từ 35 lên 55 pounds Ai Cập (1,78 USD) cho 1kg. Trong tháng 9, có lúc lạm phát lên tới 38%, song hiện giảm xuống còn 34-35%. Tuy nhiên, nhà phân tích Allen Sandeep của công ty tài chính Naeem Brokerage (Ai Cập) cho rằng trong năm 2024, con số này có thể trở lại mức 40% khi đồng tiền nước này tiếp tục mất giá.
Thứ hai, Ai Cập đang đối mặt nhiều khoản nợ nước ngoài lớn. Riêng trong năm 2024, Cairo phải thanh toán tới 42,26 tỷ USD tiền nợ, con số kỷ lục trong lịch sử quốc gia này. Sau khi trì hoãn, gói hỗ trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết hồi tháng 12/2022 vẫn chưa hẹn ngày tới Ai Cập.
Cuối cùng và quan trọng không kém, đó là tình hình Dải Gaza. Ngày 7/10, xung đột Israel – Hamas bùng phát và chỉ ít lâu sau đó Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) bao vây toàn bộ khu vực này. Trong bối cảnh đó, cửa khẩu Rafah do Ai Cập kiểm soát trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi nó là lối đi duy nhất cho viện trợ nhân đạo chảy vào dải Gaza. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, Cairo cũng trở thành một “đầu tàu” trong nỗ lực thúc đẩy hòa đàm hiện nay.
Tuy nhiên, xung đột ở Dải Gaza đặt Cairo trước không ít thách thức, tiêu biểu nhất làn sóng người tị nạn. Hiện nước này đã tiếp nhận 9 triệu người tị nạn và người di cư từ nhiều nước khác, bao gồm Syria, Sudan, Yemen và Libya. Mở cửa cho người dân Palestine đồng nghĩa rằng Cairo phải giải quyết vấn đề an ninh phát sinh, một hệ quả mà Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi không muốn đối mặt.
Đây đều là những bài toán mà người chiến thắng trong cuộc bầu cử tới cần sớm tìm lời giải để đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri Ai Cập.