Quy hoạch 10 tuyến đường sắt khu đầu mối
Liên danh tư vấn lập quy hoạch Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) – Trung tâm Tư vấn Đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) đã đề xuất phương án quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, có 10 tuyến gồm 5 tuyến hiện có và 5 tuyến xây dựng mới.
Với tuyến hiện có, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng tại khu đầu mối Hà Nội có điểm đầu là ga Gia Lâm (giai đoạn trước khi hình thành vành đai phía Đông), ga Lạc Đạo (sau khi xây dựng và khai thác tuyến vành đai phía Đông) thuộc xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Điểm cuối là ga Tuấn Lương (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Tuyến được định hướng tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ đường 1000mm. Chiều dài tuyến trong phạm vi khu đầu mối hiện nay khoảng 27km, sau khi chuyển đổi đoạn Gia Lâm – Lạc Đạo sẽ giảm còn 7,7 km.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn có điểm đầu là ga Hà Nội (trước khi bàn giao tuyến xuyên tâm cho TP Hà Nội), ga Yên Viên (sau khi xây dựng và khai thác tuyến vành đai phía Đông). Điểm cuối là ga Bắc Ninh. Chiều dài tuyến hiện có trong khu đầu mối là 18,05km; sau khi cải tạo là 21,45km. Tuyến được định hướng xây dựng tuyến đường đôi trên cơ sở làm mới một đường khổ 1435mm bên cạnh tuyến đường đơn hiện tại khổ lồng 1000mm và 1435mm.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên có điểm đầu là ga Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), điểm cuối là ga Quán Triều (Thái Nguyên). Chiều dài tuyến trong khu đầu mối là 53,50km. Tuyến sẽ tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ lồng 1000mm và1435mm đối với đoạn Đông Anh – Lưu Xá. Đoạn Lưu Xá – Quán Triều hiện tại là đường đơn khổ 1000mm, sẽ nâng cấp thành đường lồng 1000mm và 1435mm để thống nhất toàn tuyến.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai có điểm đầu là ga Yên Viên; điểm cuối là ga Lào Cai; có nối ray với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Chiều dài tuyến trong khu đầu mối là 20,05km. Định hướng quy hoạch tuyến tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ đường 1000mm.
Tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM có điểm đầu là ga Hà Nội (hiện tại), ga Ngọc Hồi (sau khi xây dựng và khai thác tổ hợp Ngọc Hồi và tuyến vành đai phía Đông); Điểm cuối là ga Sài Gòn (Hoà Hưng). Chiều dài tuyến trong khu đầu mối là 43,36km.
Định hướng quy hoạch tuyến tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ đường 1.000mm. Các khu vực ga có kết nối với tuyến đường sắt khổ 1435mm được bố trí ray lồng. Điểm đầu đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia phía Nam dừng tại Ngọc Hồi; Đối với đoạn tuyến xuyên tâm Ngọc Hồi – Giáp Bát – Hà Nội: Chuyển giao lại cho địa phương xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 sau khi hoàn thành đưa vào khai thác tuyến vành đai phía Đông (đoạn Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi) và xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi.
Với 5 tuyến đường sắt xây mới, tư vấn để xuất tuyến đường sắt vành đai phía Đông (Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Thạch Lỗi) dài khoảng 65.1Km, được phân ra làm 2 đoạn: Đoạn từ Ngọc Hồi – Lạc Đạo kết nối tuyến phía Nam đi TP.HCM với tuyến phía Đông đi Hải Phòng; Đoạn từ Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi kết nối đường sắt Hà Nội – Hải Phòng với đường sắt phía Tây tuyến Hà Nội – Lào Cai và đường sắt phía Bắc tuyến Hà Nội – Đồng Đăng và Hà Nội – Thái Nguyên.
Tuyến đường sắt vành đai phía Tây (Thạch Lỗi – Tây Hà Nội – Ngọc Hồi), được nối ray trên đường sắt Hà Nội – Lào Cai sau đó tuyến đi theo hướng tuyến vành đai 4 đường bộ (song song phía ngoài vành đai 4), vượt sông Hồng tại cầu mới Hồng Hà qua khu vực Hà Đông nối về yết hầu Nam ga Ngọc Hồi. Phạm vi tuyến vành đai phía Tây mới từ Ngọc Hồi – Thạch Lỗi dài khoảng 50,2Km, qua các ga: Phùng, Tây Hà Nội, Hà Đông.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, trong khu đầu mối có điểm đầu tại ga Vĩnh Phúc; điểm cuối tại ga Lương Tài (tỉnh Hưng Yên). Chiều dài tuyến trong phạm vi khu đầu mối là 81,39km, trong đó có 33,27Km đi trùng với đường sắt vành đai phía Đông.
Tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, chiều dài trong phạm vi khu vực đầu mối Hà Nội là 43,71km, tính từ ga Yên Viên đến hết địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Riêng tuyến tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam hiện đang được nghiên cứu, với chiều dài hướng tuyến trong khu đầu mối TP Hà Nội khoảng 65km. Điểm đầu: Ga đường sắt tốc độ cao tại tổ hợp Ngọc Hồi, kết nối tàu đường sắt tốc độ cao vào ga trung tâm Hà Nội bằng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Điểm cuối tại Km65+060 thuộc địa phận tỉnh Hà Nam. Đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 28,71km, bố trí một ga là ga Ngọc Hồi.
Theo đó, ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) là ga đầu mối khu vực phía Nam cho đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Ga được xây dựng trong khu tổ hợp Ngọc Hồi, là ga đầu mối phía Nam với chức năng chính là đón gửi, lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Nam sông Hồng. Quy mô: Quảng trường ga 3,95ha; khu vực ga đường sắt tốc độ cao 8ha. Cùng đó là khu vực ga khách đường sắt quốc gia thường 14,6ha; khu vực ga hàng hóa; các xí nghiệp đầu máy, toa xe khách, toa xe hàng; Depot đường sắt tốc độ cao…
Cần hơn 367.000 tỷ để đầu tư đồng bộ
Tư vấn đề xuất sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội là 367.380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tư vấn, để phát huy được hiệu quả đầu tư dự án, các đoạn tuyến đường sắt hướng tâm khu vực đầu mối TP Hà Nội cần được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tuyến theo các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 đã được Quy hoạch mạng lưới đường sắt (QH1769) định hướng.
Vì vậy, tư vấn đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hướng tâm sắt hiện có; Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn Hà Nội – Vinh; Tuyến đường sắt vành đai phía Đông (Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Thạch Lỗi); Tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Về phương án phân kỳ đầu tư, tư vấn đề xuất: Đối với các tuyến đường sắt hiện hữu, tuyến đường sắt hướng tâm xây dựng mới tuân thủ phương án phân kỳ đầu tư theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã đề ra. Trong đó, cần 68.115 tỷ đồng để điện khí hóa đường sắt hiện hữu; cần 21.148 tỷ để nâng cấp đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng.
Đối với tuyến vành đai phía Đông, giai đoạn 1 (đến năm 2040) tổng mức đầu tư khoảng 108.646 tỷ đồng, đầu tư đoạn Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Yên Thường đường đơn khổ lồng; đoạn Yên Thường – Thạch Lỗi đường đôi (một tuyến đường lồng; một tuyến khổ 1435mm).
Giai đoạn 2 (2040-2050) tổng mức đầu tư khoảng 7.274 tỷ đồng; đầu tư đoạn Ngọc Hồi – Lac Đạo – Yên Thường nâng cấp thành đường đôi theo hướng duy trì khai thác tuyến đường lồng của giai đoạn 1 và đầu tư bổ sung một tuyến đường 1435mm bên cạnh. Đoạn Yên Thường – Thạch Lỗi: tiếp tục khai thác theo quy mô đường đôi (một tuyến đường lổng, một tuyến khổ 1435mm).
Tuyến vành đai phía Tây, tổng mức đầu tư khoảng 57.429 tỷ đồng. Do năng lực của tuyến vành đai phía Đông có thể đáp ứng được nhu cầu tới năm 2045 nên đối với tuyến vành đai phía Tây cần chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2041-2045; thực hiện đầu tư để đưa vào khai thác trong giai đoạn trước năm 2050 để giảm tải cho tuyến vành đai phía Đông. Quy mô phân kỳ: Đường đơn khổ 1435mm nhưng hạ tầng dự trữ cho quy mô đường đôi khổ 1435mm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-hon-367000-ty-dong-dau-tu-dong-bo-duong-sat-khu-vuc-dau-moi-ha-noi-192240629164856497.htm