Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tham luận tại hội trường chiều ngày 3/11. |
Cần giới hạn quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập
Tham luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn cần có những hạn chế nhất định trong quy định việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập, không nên trao đầy đủ quyền như đối với các tổ chức kinh tế.
Lý giải về vấn đề này, đại biểu cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập là pháp nhân được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước theo quy định của pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước.
So với tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước trao quyền, chức năng, nhiệm vụ đặc thù, nên việc tạo cơ chế để đánh đồng tổ chức kinh tế với đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, từ đặc điểm đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan của nhà nước, đại biểu cho biết, việc tiếp cận các quỹ đất của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập cũng được tạo điều kiện như với các tổ chức kinh tế thì sẽ tạo sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, nếu trao quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hàng năm thì sẽ có nguy cơ rủi ro không bảo toàn đất nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể khi thu hồi đất giao cho nhà đầu tư
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đây là nội dung rất quan trọng, được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô.
Đại biểu đồng tình thực hiện phương án 2, theo đó, cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.
Đại biểu cho biết, việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân mà đạt được tỷ lệ đồng thuận 100% là rất khó xảy ra. Về nội dung này, phương pháp, nguyên tắc định giá đất là rất quan trọng, nên việc quy định theo phương án 2 là lựa chọn hợp lý, phù hợp với thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.
Về quyền sử dụng đất của người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu cho rằng, với người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài thì vẫn có quyền lợi như người quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam, còn các trường hợp khác thì không được quyền lợi.
Đại biểu không đồng tình với việc người gốc Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam nhưng được hưởng quyền lợi về đất đai như người Việt Nam. Theo đại biểu, nếu đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội trường. |
Làm rõ một số nội dung về chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ quan tâm đối với các chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này cũng đã có quy định hỗ trợ ở Điều 108 và Điều 109…
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định về sáu nội dung hỗ trợ chính sách và quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất.
“Có thể thấy dự thảo cũng có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.
Cùng với đó, tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất để tránh tình trạng bỏ sót.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn Nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt cần được quy định rõ trong Luật về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất.