Tại hội nghị tập huấn triển khai thí điểm học bạ số và xây dựng, khai thác kho học liệu số cấp tiểu học tổ chức mới đây, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, đã đề nghị các trường triển khai học bạ số đồng thời với sổ điểm số để đồng bộ xác thực kết quả học tập của học sinh.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, đến nay, thành phố đã sẵn sàng về phần mềm và các giải pháp để các trường thực hiện học bạ số. Ngành GD-ĐT đã có 2 năm chuẩn bị cho việc thực hiện học bạ số và nay tất cả giáo viên tại TP HCM đã có chữ ký số – một yêu cầu bắt buộc trong giao dịch hành chính số.
Theo kế hoạch, trong năm học 2024-2025, học bạ số sẽ được triển khai với khối lớp 6 và tiến hành số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) học bạ của học sinh 2 bậc tiểu học và THCS. Vào năm học 2025-2026, tiến trình này được thực hiện với học sinh khối lớp 10 và số hóa toàn bộ CSDL học bạ của bậc THPT. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, học bạ số sẽ được thực hiện miễn phí cho học sinh. Không chỉ tại TP HCM mà nhiều tỉnh, thành khác cũng đã bắt đầu triển khai học bạ số.
Học bạ số sẽ thay thế học bạ giấy truyền thống. Nó sẽ giúp lưu trữ thông tin học sinh chính xác, lâu dài, dễ dàng tra cứu và cập nhật đối với các hoạt động hành chính có sử dụng học bạ, ví dụ khi làm thủ tục chuyển trường, xét tuyển sinh. Điều thuận lợi là giờ đây mỗi học sinh đều có mã số định danh cá nhân. Học bạ số của mỗi học sinh cũng được định danh theo mã số này, thuận tiện cho việc quản lý và tra cứu thông tin.
Hiện nay có nhiều mẫu học bạ số do các doanh nghiệp phát hành hay các địa phương tự phát triển. Điều này đòi hỏi phải theo chuẩn thống nhất cả nước để các học bạ số có thể kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD-ÐT, liên thông có giá trị sử dụng trên cả nước. Bộ GD-ÐT cần xây dựng một mẫu học bạ số thống nhất rồi giao cho từng sở GD-ĐT tỉnh, thành để tập trung dữ liệu từ các trường trong địa bàn. Từ CSDL của sở sẽ kết nối, đồng bộ hóa với CSDL của bộ và cả CSDL quốc gia. Việc có quá nhiều mẫu học bạ số có thể gây khó khăn trong việc liên thông và đồng bộ hóa dữ liệu, trong đó có vấn đề tương thích kỹ thuật.
Tất nhiên, dữ liệu của học bạ số không chỉ cần bảo đảm chính xác và được xác thực mà còn phải được bảo mật nghiêm ngặt. Đó là trách nhiệm kể từ giáo viên nhập dữ liệu cho đến lên trên tới tận CSDL quốc gia và các tổ chức có quyền truy xuất học bạ số.
Nguồn: https://nld.com.vn/can-chuan-thong-nhat-hoc-ba-so-ca-nuoc-19624062522125686.htm