Đó là ý kiến của TS Võ Văn Khang – phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin phía Nam, nêu ra khi góp ý cho TP.HCM triển khai thực hiện nghị quyết 57 về đột phát phát triển khoa học công nghệ.
Chiều 17-1, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND TP.HCM thực hiện nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
TP.HCM quyết liệt thực hiện nghị quyết 57
Phát biểu tại hội thảo, ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – cho biết dù đang trong giai đoạn tập trung chăm lo tết nhưng lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm đến triển khai nghị quyết 57 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
Vừa qua, TP.HCM đã xây dựng dự thảo chương trình hành động, kế hoạch triển khai nghị quyết 57. TP.HCM mong muốn nhận góp ý của chuyên gia, nhà khoa học về những lĩnh vực chiến lược TP.HCM cần tập trung trong thời gian tới, cách thức huy động các nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần làm gì để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số, đổi mới sáng tạo; việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn… Giải pháp thúc đẩy số chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số và trí tuệ nhân tạo…
Cũng theo ông Thắng, trong quá trình triển khai thực hiện, TP.HCM sẽ liên tục tiếp nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có đội ngũ lấy ý kiến góp ý của mọi người gửi về cho TP.HCM.
TP.HCM sẽ chi nhiều tiền cho khoa học công nghệ
Góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phương – trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý công, Đại học Quốc tế TP.HCM – cho rằng vấn đề then chốt là TP.HCM phải có nguồn nhân lực trong phát triển khoa học công nghệ.
Ông Phương đề xuất TP.HCM xây dựng trung tâm đào tạo phổ cập về trí tuệ nhân tạo, big data… Đồng thời, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học.
Cũng theo ông Phương, cơ chế vốn cho khoa học công nghệ rất quan trọng. Hiện nay, TP.HCM chi nhiều tiền cho khoa học công nghệ nhưng phải có cách thức giải ngân, xây dựng các nguồn quỹ cụ thể.
TP.HCM có thể xin ý kiến HĐND TP phát hành trái phiếu cho các quỹ đầu tư, tăng thêm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các ý tưởng có thể đưa vào ứng dụng thực tế.
TP.HCM cũng cần cải cách hành chính trong hoạt động khoa học công nghệ bởi hiện nay nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học gặp khó khăn trong vấn đề này. Nếu các nhóm nghiên cứu không sử dụng nguồn vốn ngân sách thì phải được “giải phóng”, không phải tuân thủ các quy định như khi nghiên cứu khoa học bằng nguồn vốn ngân sách.
Còn TS Võ Văn Khang – phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin phía Nam – cho rằng hiện nay TP.HCM có nhiều lợi thế về thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu, công nghệ. Trong đó, TP.HCM cần tập trung phát triển các thể chế liên quan đến khoa học công nghệ.
Theo dự kiến, mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ chi khoảng 3% ngân sách cho khoa học công nghệ, tương ứng khoảng 5.000 – 10.000 tỉ đồng.
TP.HCM phải có các cơ chế chi tiền đầu tư để huy động các nguồn lực từ các địa phương và các nước đến TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Khang cho rằng TP.HCM cần có các chính sách về thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và sử dụng công nghệ của Việt Nam.
“Hiện nay TP cũng có các chính sách nhưng chỉ tập trung ở người làm ra sản phẩm đem bán mà chưa có chính sách cho người mua công nghệ của Việt. TP có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt dùng công nghệ của người Việt. Tức là TP.HCM phải có nguồn quỹ để hỗ trợ”, ông Khang nói.
Hướng tới hình thành xã hội sử dụng dữ liệu
Góp ý về phát triển dữ liệu, ông Bùi Hồng Sơn – chuyên gia Ngân hàng thế giới – nêu thực trạng phát triển dữ liệu hiện nay còn nhiều bất cập, cơ sở dữ liệu chưa có sự chia sẻ với nhau.
Các cơ sở dữ liệu phải được tích hợp, chia sẻ không chỉ cơ quan nhà nước mà còn với cộng đồng đổi mới sáng tạo. Bởi nghiên cứu khoa học mà không có dữ liệu thì không làm được.
Theo ông Sơn, việc chia sẻ dữ liệu hiện nay chủ yếu phục vụ cho thủ tục hành chính nhưng dữ liệu chuyên ngành có nhiều lại không được chia sẻ thì khó bước vào kỷ nguyên vươn mình.
“Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói trong kỷ nguyên vươn mình thì phải chuyển đổi số làm sao để tạo ra phương thức mới, phục vụ cho việc tinh gọn bộ máy mà nếu không chia sẻ được dữ liệu thì rất khó”, ông Sơn nói.
Ông cho rằng cần có chính sách đột phá khai thác dữ liệu dùng chung, từng bước hình thành xã hội sử dụng dữ liệu, khởi nghiệp dựa vào dữ liệu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-can-ho-tro-de-doanh-nghiep-viet-dung-cong-nghe-cua-nguoi-viet-20250117191344658.htm