DNVN - Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một quốc gia hùng mạnh về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng này, cần có những chính sách đột phá và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước.
Tạihội nghị "Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới"10/2 tại Hà Nội, các doanh nghiệp công nghệ như CMC, FPT đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC, trong năm 2024, CMC đã công bố chiến lược chuyển đổi AI và kiến nghị Chính phủ tận dụng AI như một năng lực cốt lõi để phát triển đất nước. Sự quan tâm của thế giới đối với chiến lược này thể hiện qua hội nghị tại Davos vào tháng 1/2024, nơi có hơn 200 đại biểu đăng ký nhưng chỉ có 60 chỗ tham dự. Từ đó, doanh nghiệp đề xuất thành lập "Vietnam House" tại Davos để quảng bá công nghệ Việt Nam với thế giới.
CMC hiện đảm nhận hai nhiệm vụ quốc gia quan trọng: xây dựng hạ tầng điện toán đám mây quy mô 80 MW – gần gấp đôi tổng công suất hiện nay của Việt Nam – và phát triển C.OpenAI, một nền tảng AI do người Việt xây dựng và sử dụng.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC. (Ảnh: VGP).
Để thực hiện các nhiệm vụ này, CMC đưa ra ba kiến nghị chính. Thứ nhất, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế với cam kết thời gian giải quyết thủ tục rõ ràng cho doanh nghiệp. Thứ hai, Chính phủ xem xét cơ chế vay ưu đãi trong 10 năm để hỗ trợ các dự án hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Thứ ba, gỡ bỏ rào cản về đất đai trong đào tạo nhân lực AI, thay vì yêu cầu có 2ha đất cho mỗi phân hiệu mới.
Cũng theo ông Chính, Việt Nam đang nghiên cứu khoa học và công nghệ nhưng chưa kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường. Ông kỳ vọng việc sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ khắc phục điểm nghẽn này.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới và cần tận dụng cơ hội phát triển. Ban IV đã xây dựng báo cáo "2-3-4-5" nhằm xác định mục tiêu, điểm tắc nghẽn, chiến lược và hành động cần thực hiện.
Một trong những đề xuất quan trọng là "bình dân AI vụ" – đưa AI đến với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Bình lấy cảm hứng từ phong trào "bình dân học vụ" thời kháng chiến, nhấn mạnh rằng AI giờ đây không còn là lĩnh vực dành riêng cho các tập đoàn lớn. Công nghệ như DeepSeek đã giúp AI trở nên phổ biến hơn, tạo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới.
Do đó, Chủ tịch HĐQT FPT kiến nghị cần nhanh chóng đưa AI vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học. Doanh nghiệp có thể trực tiếp triển khai đào tạo AI nhưng cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Nhà nước để Việt Nam sớm trở thành cường quốc AI.
Những kiến nghị từ CMC và FPT cho thấy khát vọng của doanh nghiệp đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ AI khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Nhà nước, từ cải cách thể chế, hỗ trợ tài chính đến đổi mới chính sách giáo dục.
Trước đó, báo cáo tổng hợp tình hình các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những lĩnh vực mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), các phòng thí nghiệm, chuyển đổi số, ứng dụng AI, robot, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nguyên liệu mới…Thành lập, phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo…
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Có cơ chế, chính sách đặc thù, huy động nguồn lực để xây dựng và phát huy hiệu quả các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tăng cường liên kết và phát huy hiệu quả các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt. Bố trí nguồn lực và cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Chủ động gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo 50 nghìn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.
Minh Thu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/can-chinh-sach-dot-pha-de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-manh-ve-cong-nghe/20250210025917913
Bình luận (0)