Từ nhiều tháng qua, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) phải mở bức tường ngăn cách giữa các khối nhà của hai bệnh viện, tạo thành hành lang tạm cho bệnh nhân và nhân viên y tế di chuyển qua cơ sở cũ Bệnh viện Ung bướu sát bên.
Quá tải, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải đục tường mượn tạm cơ sở điều trị
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào sáng 28-2, từng tốp người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế tấp nập qua lại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Ung bướu thông qua một dãy hành lang vừa được đục thông.
Một số bệnh nhân sau thăm khám cũng được người nhà đẩy xe lăn qua khu vực “mượn tạm” của Bệnh viện Ung bướu điều trị bệnh nhân nội trú.
Theo quan sát, hành lang này có bề rộng khoảng 2,5m, được tạo khá xập xệ, bao quanh bởi tôn, phía trên trần nhà nhiều mảng bê tông bong tróc loang lổ.
Để qua Bệnh viện Ung bướu, dọc hành lang có bảng chỉ dẫn “khu B, đi lối này”.
Bệnh nhân H.N. (43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đang thăm khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết khoảng 3 tháng nay, khi đi khám bà khá bất ngờ khi được hướng dẫn đi qua con đường này.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải – giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định – cho biết cơ sở vật chất hiện hữu của bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, bệnh viện đã “mượn đỡ” dãy nhà B của Bệnh viện Ung bướu để khám bệnh.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiến nghị cho phép sử dụng phần đất và cơ sở vật chất của Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia Gia Định (số 1 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) – đơn vị vừa có thông báo ngưng toàn bộ hoạt động từ ngày 31-1-2024 vì hết hạn chứng nhận đầu tư.
Khi có được khu đất này, bệnh viện dự kiến mở rộng khu vực khám chữa bệnh phục vụ người dân trên địa bàn và nhóm người yếu thế (người nghèo, người già, người neo đơn), đồng thời cải tạo mảng xanh hiện hữu phục vụ cho người dân đến khám chữa bệnh.
Thi công ì ạch, bệnh viện đau đầu
Dự án xây mới thay thế khu nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định được khởi công vào ngày 17-3-2020 với quy mô 2 tòa nhà 15 tầng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và vốn vay với tổng số tiền đầu tư hơn 600 tỉ đồng.
Dự án do nhà thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Thành Đô phụ trách và đây là một trong các dự án nhiều lần bị “điểm mặt” chậm tiến độ. Ghi nhận thực tế cho thấy hiện công trình này vẫn đang được thi công, tuy nhiên với mức độ cầm chừng.