Không tổ chức thu nhiều khoản trong cùng một thời điểm
Cơn bão Yagi (bão số 3) vừa qua đổ bộ vào Hải Phòng đã khiến địa phương thiệt hại vô cùng nặng nề. Thống kê chưa đầy đủ về thiệt hại do bão Yagi gây ra tính thời điểm hiện tại là gần 11.000 tỷ đồng.
Trước thực tế nêu trên, để tránh áp lực đối với cha mẹ học sinh trong điều kiện khắc phục hậu quả, thiệt hại do bão Yagi gây ra, Sở GDĐT TP.Hải Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc đơn vị này không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường để thu các khoản thu ngoài quy định của Bộ GDĐT.
“Trong điều kiện nhân dân gặp khó khăn sau bão Yagi, Sở GDĐT Hải Phòng nghiêm cấm các trường, cơ sở giáo dục không tổ chức vận động tài trợ từ phụ huynh học sinh.
Việc các trường, cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ khác phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 16 năm 2018 của Bộ GDĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và công văn của UBND TP.Hải Phòng về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT”, Sở GDĐT Hải Phòng cho hay.
Ngoài ra, Sở GDĐT Hải Phòng yêu cầu các đơn vị rà soát, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ, miễn, giảm các khoản thu đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hải Phòng tổ chức giãn, hoãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp một lần đối với các khoản thu theo tháng, học kỳ; không tổ chức thu nhiều khoản trong cùng một thời điểm.
Yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các khoản thu
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, để đảm bảo an toàn, học sinh tại Hải Phòng phải nghỉ học dài ngày. Tại địa bàn quận Kiến An, học sinh trở lại trường từ ngày 16/9.
Chị Trần Mỹ Duyên trú tại phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP.Hải Phòng chia sẻ, chị có 2 con cùng học tại trường Tiểu học Quang Trung, thuộc phường Bắc Sơn, quận Kiến An, TP.Hải Phòng. Qua theo dõi thông tin thời sự và đọc báo, chị Duyên nắm được chủ trương của Sở GDĐT Hải Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các khoản thu; tạo điều kiện giãn, hoãn các khoản thu; rà soát các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ; hỗ trợ khoản thu đối với học sinh thuộc diện khó khăn.
Hiện tại chưa họp phụ huynh trong năm học mới, tuy nhiên, các khoản thu đầu năm học là vấn đề được quan tâm của nhiều phụ huynh. Bản thân chị Duyên hoàn toàn đồng thuận với những chủ trương của trường và lớp mà con chị đang theo học.
Các con chị Duyên trở lại trường và đều đăng ký ăn bán trú. Tuy nhiên, ở lớp chỉ có quạt trần, không có điều hoà, với thời tiết oi bức thì thực sự các con cũng khó tập trung 100% khi học. Điều hoà lại không trong danh mục được trang bị, muốn con có điều kiện tốt hơn để học tập, bố mẹ yên tâm làm việc, các phụ huynh tự hô hào nhau, cùng nhau đồng thuận làm đơn đề xuất với nhà trường cho phép được lắp đặt điều hoà cho các con sử dụng học tập và ăn bán trú. Kết quả, lớp con chị Duyên đồng thuận 100% việc lắp đặt điều hoà tại lớp học.
Theo đại diện phụ huynh lớp 1D, Trường Tiểu học Quang Trung, quận Kiến An, TP.Hải Phòng, trang bị những điều kiện như điều hoà, rèm che nắng cho các con là điều cần thiết. Những hạng mục này không nằm trong khoản thu mà là khoản phụ huynh tự thoả thuận cùng nhau một cách tự nguyện, đồng thuận, không ép buộc và không cào bằng. Nếu chỉ cần một ý kiến hay một phụ huynh không đồng tình, lãnh đạo trường không chấp thuận việc lắp đặt.
Chị Phạm Thị Hương trú tại Đồng Thái, huyện An Dương, TP.Hải Phòng chia sẻ, việc hiểu biết và đồng thuận các khoản thu, mức thu từ phía nhà trường với phụ huynh học sinh luôn là vấn đề được quan tâm. Theo quan điểm của chị Hương, những khoản thu theo quy định có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng về danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.Hải Phòng. Còn những khoản thoả thuận, theo cá nhân chị Hương dựa trên nhu cầu chính đáng, tự nguyện. Phụ huynh nên thẳng thắn cùng nhau và phối hợp cùng trường, lớp tìm giải pháp hài hoà, tránh việc căng thẳng, đi lệch hướng, gây mất đoàn kết và ảnh hưởng tới môi trường học tập của các con. Trường hợp thấy sự bất hợp lý từ chủ trương tới triển khai thực hiện, phụ huynh có thể thẳng thắn trao đổi để chung tay tìm giải pháp phù hợp.
Theo đại diện Sở GDĐT TP Hải Phòng, hiện nay việc áp dụng quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.Hải Phòng vẫn theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố và Nghị quyết 08/2023 sửa đổi bổ sung Điều 3 của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND nêu trên.
Cũng theo đại diện Sở GDĐT TP.Hải Phòng, về quy định nêu trên, mỗi năm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh 1 lần bởi dịch vụ luôn có sự biến động về loại hình và đơn giá nên việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế thời điểm triển khai và thực hiện. Các khoản thu, mức thu đều có quy định cụ thể, còn những khoản thoả thuận dựa trên nhu cầu thực tế và sự đồng thuận, không miễn cưỡng, không ép buộc, không cào bằng, tuỳ theo điều kiện tự nguyện của phụ huynh học sinh. Trường hợp bị ép buộc, phụ huynh có thể gửi ý kiến cho Phòng hoặc Sở GDĐT để xác minh, giải quyết kịp thời cũng như chấn chỉnh những bất cập tại các trường ngay nếu có.
Nguồn: https://danviet.vn/hai-phong-cam-cac-truong-to-chuc-van-dong-tai-tro-tu-phu-huynh-20240918095504529.htm