Trước đó Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết đã có báo cáo gửi Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ NN&PTNT về khó khăn của doanh nghiệp bởi quy định kích thước tối thiểu của thủy sản khai thác được quy định trong nghị định 37-2024 của Chính phủ. Cụ thể là quy định chỉ được đánh bắt cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 500mm và cá trích xương từ 110mm,
Quy định chưa phù hợp thông lệ quốc tế?
Theo ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Vasep, các doanh nghiệp phản ánh quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác theo nghị định 37-2024 đối với một số loài hải sản khai thác là không phù hợp.
Ví dụ cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis), quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 500mm (tương đương trọng lượng cá 5 – 7kg), trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá này là 1,8 – 3,4kg. Còn thực tế nhiều tàu khai thác cá ngừ vằn ở nước ta có size cỡ dưới 1kg và khách hàng chuộng các sản phẩm đóng hộp từ nguyên liệu cá size nhỏ.
Dẫn quy định (Liên minh châu Âu – EU) 2019/1241 về bảo tồn của châu Âu, Vasep cho biết cũng không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ có một số loài nhạy cảm và kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.
Tại Tây Ban Nha, các tàu cá vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5kg và vẫn được cấp C/C. Hơn nữa Tổ chức Ủy ban nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương cũng không có quy định kích thước tối thiểu một số loài cá ngừ, trong đó có cá ngừ vằn.
Đối với cá trích xương (Sardinella gibbosa), quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài này là 110mm. Tuy nhiên, loài cá trích xương có kích thước dưới 110mm trong thực tiễn khai thác ở Việt Nam mà doanh nghiệp thu gom được thường chiếm khoảng 1/3 lượng nguyên liệu loài này…
Vasep cho rằng với các quy định trên sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá phải bổ sung tiêu chí ngư cụ vào phần kiểm tra cấp phép xuất – cập bến. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu trầm trọng nguyên liệu để thu mua sản xuất, xuất khẩu.
Do vậy Vasep kiến nghị rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu đối với một số loài thông dụng như cá ngừ vằn, cá trích xương, mực ống, tôm sắt cứng.
Không cấm bắt con nhỏ thì nguồn lợi sẽ cạn kiệt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Hùng – cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) – cho biết mục đích việc quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn, cá trích xương, mực ống Trung Hoa, tôm sắt cứng… nhằm bảo vệ con non, kích thước nhỏ, bảo vệ cho đàn thủy sản tham gia sinh sản để tăng khả năng tái tạo nguồn lợi.
Theo ông Hùng, hiện nay trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, Nhật Bản và một số quốc gia quy định kích cỡ khai thác để khai thác vừa mức, duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo. “Trên cơ sở nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản trong 10 năm (từ 2010 – 2020) và phân tích sinh học các đối tượng thủy sản, chúng tôi quy định kích thước 500mm đối với cá ngừ vằn và 110mm đối với cá trích xương là vì cá ngừ vằn, cá trích xương ở kích thước này thì 50% cá thể thành thục và sinh sản lần đầu”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh ở Việt Nam những năm vừa qua trữ lượng, nguồn lợi thủy sản suy giảm rất mạnh. Trữ lượng nguồn lợi hải sản ở giai đoạn 2016 – 2020 ước tính khoảng 3,95 triệu tấn và giảm 22,1% so với trữ lượng 5,07 triệu tấn trong giai đoạn 2000 – 2005. Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi được xác định là do khai thác quá mức, đặc biệt là khai thác xâm hại thủy sản con non, kích thước nhỏ chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác.
Kết quả điều tra sinh học nghề cá giai đoạn 2015 – 2020 cũng cho thấy mức độ xâm hại nguồn lợi của các loài thủy sản kinh tế ở mức rất cao, xảy ra ở các loại nghề, các vùng biển và hầu hết thời điểm trong năm. Vào mùa sinh sản và ương nuôi nguồn giống thủy sản, tỉ lệ xâm hại nguồn lợi của một số loài kinh tế đạt mức tuyệt đối với 100% sản lượng là cá, tôm, mực con non, kích thước nhỏ.
“Nếu không quy định kích cỡ khai thác cho phép thì chúng ta khai thác tất cả các con còn non, con chưa sinh sản thì nguồn lợi sẽ cạn kiệt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cơ sở nào đề xuất chỉ được khai thác cá ngừ vằn từ 500mm?
Nghị định 37-2024 quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác cá ngừ vằn là 500mm, dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản trong những năm gần đây. Theo điều tra, cá ngừ vằn ở Việt Nam có chiều dài 229 – 703mm, với cá lớn nhất nặng 9,3kg. Kích thước thành thục và tham gia sinh sản lần đầu ở vùng biển xa bờ Trung Bộ và Đông Nam Bộ là 477 – 494mm, còn ở vùng biển gần bờ là 459mm.
Ông Nguyễn Quang Hùng, cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết năng suất khai thác cá ngừ vằn đã giảm đáng kể, từ 38,7kg/km lưới năm 2000 xuống còn 8,1kg/km lưới năm 2018. Tỉ lệ xâm hại nguồn lợi của loài này cũng cao, đạt 26% ở nghề lưới vây và 41% ở nghề lưới rê. Dựa trên những số liệu này, Cục Kiểm ngư đã quy định kích thước tối thiểu là 500mm, lớn hơn khoảng 10% so với kích thước tham gia sinh sản lần đầu, tương đương với 2,63kg.
Đối với cá trích xương, kích thước tối thiểu được quy định là 110mm. Quyết định này dựa trên dữ liệu cho thấy chiều dài của loài này dao động từ 43 – 172mm tùy theo vùng biển, với kích thước thành thục và tham gia sinh sản lần đầu khoảng 107mm.
Những quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ các cá thể chưa trưởng thành và chưa tham gia sinh sản, hướng tới một ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cam-bat-ca-nho-de-bao-ve-thuy-san-20240711230805078.htm