Chúng ta thường cho rằng con cả có tính độc lập cao, nội lực mạnh, sống trách nhiệm, biết quan tâm, chăm sóc người khác… Có khá nhiều nhận định tích cực xoay quanh con cả.
Từ nhỏ, con cả đã được cha mẹ giao nhiệm vụ trông nom các em, làm gương cho các em. Vì vậy, con cả sẽ có những áp lực tâm lý nhất định. Thường tính cách của con cả không vui vẻ, thoải mái như các em của mình.
Các chuyên gia tâm lý đã phát hiện ra những vấn đề thường thấy nhất ở con cả. Nếu cha mẹ nắm được và quan tâm hỗ trợ người con đầu lòng của mình, con cả sẽ có một hành trình trưởng thành tốt đẹp hơn.
Con cả thường theo đuổi sự hoàn hảo
Khi sinh con đầu lòng, cha mẹ lần đầu trải nghiệm việc nuôi dạy con, cha mẹ sẽ đi qua nhiều thử nghiệm và cả những thiếu sót, sai lầm. Khi sinh những người con tiếp theo, cha mẹ đã có nhiều kinh nghiệm hơn, nên cách nuôi những người con sinh sau cũng khác so với cách nuôi con đầu lòng.
Con cả thường được nuôi dạy nghiêm khắc với những chuẩn mực cao hơn. Đến khi có thêm con, cha mẹ lại thường yêu cầu con cả phải làm gương cho các em. Vì vậy, con cả thường có tâm lý theo đuổi sự hoàn hảo. Điều này khiến trẻ là con cả dễ có tâm lý hay lo lắng, bởi trẻ luôn muốn mọi việc mình làm phải ấn tượng trong mắt cha mẹ và các em.
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Altheresa Clark, trong quá trình tư vấn, cô thường giúp khách hàng là con cả hiểu rõ vấn đề này, để họ dần từ bỏ thói quen theo đuổi sự hoàn hảo, giảm bớt những áp lực tâm lý và trở nên thư giãn, thoải mái hơn trong cuộc sống.
Con cả chịu áp lực phải “lớn ép”
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Aparna Sagaram, con cả thường có xu hướng phải trưởng thành trước tuổi, vì hay phải trông nom các em, giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà. Dù vẫn còn là một đứa trẻ, nhưng nhiều trẻ em là con cả lại phải tỏ ra mình là “người lớn” khi đứng trước các em.
Cha mẹ cũng hay có xu hướng dành nhiều sự quan tâm cho những người con nhỏ tuổi. Vì vậy, con cả dễ cảm thấy mình không được cha mẹ quan tâm nhiều bằng em, cả về thể chất và tinh thần. Con cả còn hay mang tâm lý mình phải quan tâm, lo lắng cho người khác.
Theo chuyên gia Sagaram, việc phải tỏ ra trưởng thành trước tuổi khiến những đứa trẻ là con cả hay lo lắng, dễ căng thẳng, khó thư giãn, vui vẻ.
Con cả có thể cảm thấy ghen tị với các em
Theo chuyên gia Sagaram, con cả dễ có cảm giác rằng mình là “người dọn đường” cho các em, dường như cuộc sống của các em luôn dễ chịu, dễ thở hơn mình.
Khi còn nhỏ, con cả thường bị cha mẹ đối xử nghiêm khắc hơn, giao nhiều nhiệm vụ hơn và cũng thường phải là người quan tâm, trông nom các em. Điều này có thể khiến con cả cảm thấy ghen tị với em, thậm chí đôi khi còn tỏ ra ghét em.
Ví dụ, cùng phạm một lỗi như nhau, nhưng con cả lại bị cha mẹ mắng gay gắt hơn, phạt nặng hơn, vì “con lớn nhất nhà, đáng ra phải làm gương cho các em”. Điều này dễ khiến trẻ là con cả cảm thấy mình không được cha mẹ đối xử công bằng.
Con cả dễ có tâm lý ngại đề nghị giúp đỡ
Con cả thường có xu hướng nghĩ rằng mình cần phải tự tìm ra cách xoay xở. Cách suy nghĩ này một phần xuất phát từ việc cha mẹ luôn muốn con cả cư xử trưởng thành. Cha mẹ cũng thường bận rộn với công việc, việc nhà và chăm sóc những người con nhỏ hơn.
Nếu cha mẹ không tâm lý, vô tình “bỏ quên” con cả, trẻ sẽ dần có xu hướng ngại tìm tới cha mẹ. Có chuyện gì, trẻ cũng muốn tự tìm cách xử lý. Nét tâm lý này sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ sau này của con cả.
Chuyên gia Altheresa Clark thường phải khuyến khích các khách hàng là con cả hãy biết cách thư giãn, biết cách đề nghị sự giúp đỡ. Nhìn chung, con cả thường ít bộc lộ cảm xúc hơn và cũng cảm thấy khó chia sẻ hơn, khi đứng trước những sự việc khó khăn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/cai-kho-cua-nhung-dua-tre-la-anh-ca-chi-ca-trong-gia-dinh-20240926161041863.htm