Các bộ, ngành liên quan đang tiến rất gần tới việc chuyển cảng An Thới – Phú Quốc cho UBND tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác, qua đó giúp hồi sinh cảng biển quan trọng này.
Dự án cảng An Thới từ khi hoàn thành chưa bao giờ phát huy hết hiệu quả đầu tư |
Chuyển giao cho địa phương
Việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới – Phú Quốc đang nằm trong “chân” của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nếu chiểu theo Công văn số 6934/VPCP – CN của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa được phát đi vào giữa tuần trước.
Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang theo chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 43/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan để xem xét quyết định theo thẩm quyền việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới.
Dự án đầu tư cảng biển An Thới được Bộ GTVT triển khai xây dựng tháng 4/2008 và được công bố đưa vào sử dụng tháng 6/2013.
Tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án là 157,62 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án gồm Gói thầu số 1: Bến 3.000 DWT, kè bờ cảng, nhà, xưởng và các công trình hạ tầng kỹ thuật; Gói thầu số 2: Bến phao, nạo vét, báo hiệu. Nguyên giá của tài sản là 128,085 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản (năm 2021) là 87,54 tỷ đồng.
Được biết, vào cuối tháng 8/2024, Bộ GTVT có Công văn số 8990/BGTVT – KCHT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thực hiện ngay việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới từ Bộ GTVT cho UBND tỉnh Kiên Giang để quản lý, khai thác.
“Phương án này sẽ phù hợp quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 43/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải. Đồng thời giúp UBND tỉnh Kiên Giang chủ động trong việc thực hiện quản lý, khai thác cảng phù hợp với định hướng phát triển của khu vực; khắc phục được các tồn tại trong quá trình quản lý, khai thác cảng biển An Thới trong giai đoạn vừa qua”, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, tại Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 27/4/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị điều chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới – Phú Quốc về UBND tỉnh Kiên Giang quản lý theo đề xuất của địa phương này và đề xuất phương án xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tránh lãng phí tài sản.
Cần phải nói thêm rằng, dù được kỳ vọng sẽ là công trình hạ tầng hàng hải chính yếu, giúp kết nối Phú Quốc với đất liền, nhưng kể từ khi đưa vào khai thác từ năm 2013 đến nay, cảng An Thới chưa bao giờ phát huy hết hiệu quả đầu tư.
Theo đó, vào năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với bên thuê là Liên danh Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn – Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước.
Do bên thuê vi phạm quy định hợp đồng về thực hiện nghĩa vụ thanh toán, nên Cục Hàng hải Việt Nam đơn phương chấm dứt Hợp đồng vào ngày 1/1/2021.
Đến cuối năm 2022, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với bên thuê là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn.
Tuy nhiên, bên thuê thứ hai này vẫn không thực hiện các thủ tục để đưa cảng An Thới vào khai thác, không nộp đủ tiền thuê, không thực hiện bảo đảm Hợp đồng. Căn cứ quy định của Hợp đồng, Cục Hàng hải Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng vào ngày 18/2/2024. Hiện cảng An Thới tạm thời công bố đóng cảng, chờ ý kiến xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.
Hướng tới trở thành cảng du lịch
Theo Bộ GTVT, có nhiều lý do khiến cảng biển An Thới khai thác không hiệu quả như mục tiêu đầu tư xây dựng.
Cụ thể, tại Phú Quốc không có khu công nghiệp, không có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, nên không có hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hàng hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, các loại hàng hóa liên quan đến dân sinh nhưng do cảng nằm ở khu vực phía Nam của đảo, cách xa các dự án, công trình đang thi công. Nếu xếp, dỡ hàng hóa tại cảng An Thới sẽ phải mất công đoạn vận chuyển trên đường bộ, gây tốn kém chi phí.
Bên cạnh đó, cảng biển An Thới được Nhà nước đầu tư xây dựng không có trang thiết bị khai thác cảng đi kèm, nên đơn vị thuê phải đầu tư trang thiết bị cần thiết để khai thác hàng tổng hợp. Đường kết nối vào cảng biển An Thới chật hẹp, hai bên đường là chợ dân sinh nên các phương tiện di chuyển vào cảng rất khó khăn; hoạt động dân sinh diễn ra rất phức tạp tại cảng biển An Thới.
“Hiện nay, khu vực trước cổng cảng bị các hộ dân lấn chiếm để kinh doanh nên ảnh hưởng tới trật tự an toàn, an ninh của cảng, khu nước trước bến và cầu cảng An Thới có nhiều tàu cá, bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân neo đậu nên rất khó cho tàu biển ra vào làm hàng”, lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ.
Mặc dù đang tồn tại những bất cập nêu trên, nhưng cảng An Thới vẫn có nhiều tiềm năng hồi sinh nếu tìm được hướng khai thác mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, với tốc độ phát triển về du lịch hiện nay của Phú Quốc thì nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa đến Phú Quốc bằng đường biển ngày càng lớn, với đội tàu vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước, trung bình hàng năm đạt trên 1,5 triệu lượt hành khách và 418.000 tấn hàng hóa; dự báo đến năm 2030, lượng hành khách có thể lên đến 5,32 triệu lượt và 1,9 triệu tấn hàng hóa.
Trong khi đó, trên đảo Phú Quốc, cho đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 khu cảng chính là cảng Bãi Vòng và cảng An Thới vẫn được xác định là trung tâm đầu mối chính, đảm nhận toàn bộ việc tiếp nhận hành khách và hàng hóa. Điều kiện tự nhiên khu vực biển An Thới rất thuận lợi cho việc tiếp nhận các tàu lớn 3.000 DWT.
Mặt khác, khu vực Nam An Thới tập trung rất nhiều phương tiện, các phương tiện thủy nội địa không có bến để lên xuống vận chuyển, đưa rước khách tham quan du lịch quanh các đảo, các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, tại khu vực chỉ có cảng An Thới là đảm bảo các điều kiện, nhu cầu sử dụng cho người dân đến neo đậu và hoạt động an toàn.
“Trong trường hợp được giao tài sản, chúng tôi sẽ sớm xây dựng đề án quản lý khai thác hoạt động vận tải thủy trên địa bàn TP. Phú Quốc. Trong đó, lấy cảng An Thới làm trung tâm, nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực vận tải, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, nhất là vận tải thủy phục vụ hành khách, phục vụ du lịch”, ông Nguyễn Thanh Nhàn cho biết.
Nguồn: https://baodautu.vn/cai-ket-co-hau-cho-so-phan-long-dong-cua-cang-an-thoi-d226745.html