Tui sinh ra và lớn lên ở một vùng chuyên canh cây ăn trái ở miệt Đông Nam Bộ. Mà bởi sinh ra ở miệt vườn, lớn lên cũng ở miệt vườn nên không lạ gì lắm mấy món kiểu tận dụng “cây nhà lá vườn” còn xanh mà lỡ rụng của dân miệt vườn.
Gỏi gà măng cụt ăn cùng cháo
Nói thiệt chớ nhà vườn mà đêm nằm nghe mưa, sớm ra thấy trái xanh rụng một lần dưới gốc, là hiểu rồi đó. Nếu là ba, ba sẽ nói: “Nhìn, muốn bạc tóc luôn hà!”.
Hổng hiểu vì sao mà năm nay dân mạng rần rần với món gỏi gà – măng cụt. Chắc tại các nền tảng mạng xã hội đã trở nên phổ biến hơn, thêm kiểu nằm nhà tưởng tượng thì món gì cũng ngon, cũng ứa nước miếng. Vậy nên năm nay, măng cụt xanh không chờ gặp bão để rụng mà bị nhà vườn vặt xanh luôn để bán.
Gọt măng cụt trong nước
Còn tui, 30 nồi bánh chưng quen ăn trái xanh kiểu gọt vỏ chấm muối, nay cũng bày đặt làm gà, nấu cháo rồi trộn gỏi cho đu theo kịp trend đồ này nọ. Chu choa, cái việc đi ra vườn lượm được trái xanh xong gọt vỏ bỏ miệng, nó khác với việc đổ cả mấy kg trái xanh vô thau nước xong ngồi hì hụi gọt.
Gọt vỏ măng cụt lấy phần ruột trong
Trái măng cụt xanh, giống nó nhiều mủ, nên cần gọt nước, có nghĩa là ngâm trong nước mà gọt, hoặc gọt dưới vòi nước chảy, sao cho mủ không dính vô phần thịt quả để không bị ố vàng, thâm nâu.
Bí kíp có nhiêu đó thôi chứ mà đây là công đoạn làm nản lòng nhất, còn mẹ tui thì tiếc tiền nước. Tưởng tượng cái trái to bằng nắm tay mà cái ruột có chút éc, thì gọt bao nhiêu cho đủ dĩa gỏi.
Nguyên liệu làm món gỏi gà măng cụt
Nếu bạn đã vượt qua thử thách trên thì chúc mừng bạn, bạn đã hoàn thành 90% khối lượng công việc.
Giờ còn lại chỉ là đi luộc con gà, xé phay trộn gỏi với măng cụt cắt lát, nước mắm nấu quẹo, nhớ độn thêm cà rốt bào sợi, hành tây xắt mỏng, bắp cải thái nhuyễn, rồi rau răm, hành phi, đậu phộng đầy đủ.
Gỏi gà rau răm vốn đã ngon nhức nách rồi, nay thêm mấy lát măng cụt xanh chua nhẹ ngọt dịu vô nữa nên vị gỏi rất lạ, hài hòa giữa chua cay mặn ngọt, lại càng.
Và nhớ canh chừng đồng bọn lấp ló bốc ruột măng cụt bạn vừa gọt nữa, vì cái giống ruột măng cụt xanh này chua chua ngọt ngọt giòn giòn mà đem chấm muối Tây Ninh cũng mê mệt.
Nói chung cái món này, 10 người thì gần hết cả 10, khẳng định không làm nữa vì sợ đoạn gọt măng xanh. Nhưng mà món ngon một năm có một mùa, mình thử làm, rồi lỡ có sợ quá thì nghỉ… có gì năm sau làm tiếp.
*Cách gọt măng cụt xanh để lấy ruột:
– Bước 1: Gọt vát 2 đầu quả, rồi gọt quanh để tách bớt lớp vỏ cứng bên ngoài ra. Vừa gọt vừa ngâm quả trong thau nước để mủ không dính vào tay và dao.
– Bước 2: Dùng dao nhọn, khía vào sâu trong thịt quả và bóc dần lớp vỏ mềm bên ngoài ra để lộ dần ra phần thịt quả trắng nõn. Nhớ rằng bước này cần làm dưới vòi nước chảy liên tục, vì để mủ dính vào thì thịt quả sẽ bị thâm nâu, ố màu.
– Bước 3: Ngâm ngay thịt quả vừa bóc vào thau nước có đá lạnh, pha muối loãng và vắt chanh. Làm vậy để phần thịt quả giữ được màu trắng và giòn.
* Cách trộn gỏi gà – măng cụt:
– Chuẩn bị nước mắm trộn gỏi: Nước mắm và đường theo tỉ lệ 1:1, đem nấu sôi lăn tăn cho nước mắm keo lại rồi để nguội. Băm nhuyễn tỏi và ớt thả vào phần nước mắm, vắt thêm chanh để tạo độ chua (tùy theo khẩu vị).
– Chuẩn bị gà luộc và nấu cháo:
+ Gà luộc chín từ nước lạnh, đun lửa liu riu nhỏ trong 30 phút (đối với con gà 2kg, gia giảm thời gian tùy vào trọng lượng gà). Vớt gà ra ngâm vào thau nước đá để da gà săn chắc và giòn hơn.
+ Nước luộc gà dùng để nấu cháo, có thể nấu cháo nấm rơm, cháo đậu xanh, cháo khoai môn hoặc cháo hành…
– Chuẩn bị các nguyên liệu trộn gỏi:
+ Cà rốt bào sợi; hành tây cắt mỏng, ngâm nước đá lạnh để giảm hăng; bắp cải thái nhỏ; gà xé phay, lọc bỏ xương; măng cụt cắt lát; rau răm nhặt nhạnh phần lá non.
+ Rang đậu phộng và xát vỏ, giã nhỏ.
+ Hành phi vàng giòn rụm, ráo dầu.
– Thưởng thức món ngon đặc sản 1 năm có 1 mùa:
+ Trộn đều các nguyên liệu: măng cụt, cà rốt, hành tây, bắp cải, gà, rau răm rồi rưới nước mắm lên và lại trộn đều thêm lần nữa. Rắc lên trên phần gỏi hành phi và đậu phộng rang.