Patmos bí ẩn của Hy Lạp là một hòn đảo có ý nghĩa to lớn về tôn giáo. Cho đến ngày nay, hòn đảo trắng với những bãi biển hoang vu và những con phố uốn lượn như mê cung vẫn giữ nguyên dáng vẻ huyền bí như thuở nào. Hãng CNN đã ví von rằng: “Điểm đến này ví như nơi bắt đầu của ngày tận thế”.
“Đảo thiêng”
Điểm nhấn chính của hoạt động tôn giáo trên đảo Patmos – được mệnh danh là “đảo thiêng” – là tu viện Thánh John, một tòa thành hùng vĩ sừng sững bao phủ hòn đảo.
Được thành lập vào năm 1088 bởi St. Christodoulos – một tu sĩ Hy Lạp, tu viện vẫn chứa các cấu trúc nguyên thủy có niên đại từ thế kỷ 11 – các phần của công sự, nhà bếp, một số phòng giam, bể chứa nước và quan trọng nhất là nhà thờ Thánh John.
Ngoài ra, bảo tàng và thư viện của tu viện cũng có sức hút đặc biệt. Thư viện – được cho là quan trọng nhất ở Hy Lạp bên ngoài trung tâm Chính thống giáo Hy Lạp trên Núi Athos – tự hào có 1.200 bản thảo ở dạng giấy da hoặc cuộn, bao gồm cả những trang sách phúc âm Mark có niên đại từ thế kỷ thứ 6.
“Mặc dù hang động và tu viện là những điểm thu hút chính trên đảo Patmos nhưng không phải là lý do duy nhất khiến du khách thích khám phá đảo. Cách đây vài năm, chúng tôi đã tham gia một hội nghị Châu Âu về du lịch tôn giáo cùng với những nơi như Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha và Lourdes ở Pháp. Sức thu hút của hòn đảo không chỉ vì tôn giáo mà còn là những yếu tố khác. Trong trường hợp của Patmos, đó không chỉ là những bãi biển mà là chính vẻ đẹp của Chora, thủ đô của chúng tôi”, ông Panagos Evgenikos, Người đứng đầu Hội đồng của hòn đảo Patmos cho biết.
Bãi biển cầu vồng
Tham gia hoạt động bơi lội tại bãi biển Lambi ở phía bắc đảo Patmos sẽ nhìn thấy nơi đây có nhiều thứ hơn nữa để khám phá. Bãi biển ở đây rải rác những viên sỏi nhỏ, nhiều màu, từ màu cam bơ đến màu đỏ khoai lang và màu vàng lòng đỏ trứng – và hiệu ứng kết hợp thật phi thường.
Hay đó là Petra, một vùng đất cát nối với tảng đá đứng tự do Kallikatsou.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật khác là làng chài Grikos xinh xắn, đối diện với hòn đảo nhỏ Tragonissi, nơi chắn gió tự nhiên cho đến bãi biển đầy cát an toàn.
Nằm ở phía bắc nhóm đảo Dodecanese của Hy Lạp, Patmos không có sân bay và không dễ tiếp cận, nhưng vẫn thu hút các vị khách nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới bởi sự yên tĩnh. Trên thực tế, một số người đã coi Patmos là quê hương của mình và tìm cách mang lại lợi ích cho hòn đảo để phát huy hết các điểm mạnh hiện có.
Chẳng hạn như hệ thống Wi-Fi cài đặt trên khắp hòn đảo để tất cả mọi người có thể lướt Internet miễn phí.
Một người yêu thích Patmos khác là nhà tài chính Charles Pictet. Ông đã khôi phục lại 3 cối xay gió trên ngọn đồi đối diện tu viện. Hay Josef Zisyadis, một chính trị gia người Thụy Sĩ, ấp ủ kế hoạch đầy tham vọng hơn khi ông bắt đầu trồng nho trên mảnh đất rộng 20 mẫu gần bãi biển Petra cùng với Dorian Amar, một nhà sản xuất rượu vang người Pháp.
“Đất đai màu mỡ, nguồn nước có sẵn trong lòng đất nhưng đất đai không phù hợp với việc canh tác trồng cây nho. Có gió, có nắng nhưng không có bóng râm. Chúng tôi đã trồng cây cao hơn để giảm nhiệt độ và cải thiện năng suất – một cây sồi ở đây, một vài cây carob ở kia – đã được trồng trong vài năm và tôi sẽ biến mảnh đất này thành thiên đường”, ông Josef Zisyadis nói.
Christos Patakos, quản lý của Patmos Aktis, khách sạn 5 sao duy nhất trên đảo nhận định một cảm giác chung, đặc biệt là trong số những người thường xuyên và những người có sở hữu nhà ở Patmos, cho rằng hòn đảo phải được bảo vệ khỏi du lịch đại chúng. Thực tế, cho dù tu viện là một trong những điểm thu hút chính ở đây nhưng không hề bị chi phối cuộc sống trên đảo.
Tu viện có rất nhiều ảnh hưởng, nhưng vẫn riêng biệt và tách rời cuộc sống hàng ngày. Hòn đảo luôn có những quy định rõ ràng, chẳng hạn không có chủ nghĩa khỏa thân ở đây và các quán bar ở Chora buộc phải đóng cửa lúc 3 giờ sáng.
“Đúng vậy, hòn đảo chủ yếu tập trung vào du lịch bãi biển nhưng chúng tôi may mắn cũng có những thắng cảnh tuyệt vời khác như tu viện và hang động. Patmos là một Byzantium nhỏ bé, giống như Núi Athos nhưng cao cấp hơn. Và nhiều người cũng gọi hòn đảo là ‘Jerusalem của Aegean”, ông Christos Patakos nhấn mạnh./.