Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Muối có nhiều lợi ích, nhưng chú ý liều lượng khi dùng; Thở khò khè, khi nào cần đi bác sĩ khám?; Tập tạ giúp cải thiện bệnh tiểu đường như thế nào?…
Nước chè xanh có nhiều lợi ích nhưng ai không nên uống?
Nước chè xanh là thức uống khá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên việc sử dụng cần phù hợp thời điểm trong ngày và liều lượng thích hợp nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết chè xanh là loài thực vật thân nhỡ, cao từ 5 – 6 m, một số cây có thể phát triển đến 10 m.
Lá và búp chè xanh được dùng với nhiều giá trị dược liệu. Lá chè xanh được thu hái vào mùa xuân, chỉ thu hái những lá trà và búp trà non. Sau đó rửa sạch đem sắc uống hoặc vò rồi sao khô để dùng dần.
“Lá chè xanh là một loại thực phẩm làm thức uống phổ biến trong nhiều nền văn hóa, mang lại một số lợi ích sức khỏe quan trọng, như bảo vệ sức khỏe của não, tim và xương của chúng ta cũng như làm đẹp da. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Vì vậy bạn nên dùng chè xanh vào thời điểm và liều lượng thích hợp”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Chè xanh chứa hàm lượng caffeine lớn, có thể gây chóng mặt, cồn cào, hoa mắt nếu dùng lúc bụng đói. Caffeine trong lá trà xanh có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương nhằm tăng mức độ tập trung và hoạt động của não bộ. Do đó nếu uống trà xanh vào buổi tối có thể gây khó ngủ và mất ngủ. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 29.8.
Muối có nhiều lợi ích, nhưng chú ý liều lượng khi dùng
Muối mang lại hương vị cho thực phẩm nhưng ăn quá nhiều muối sẽ dẫn đến các vấn đề không tốt cho sức khỏe.
Muối là gia vị phổ biến trên toàn thế giới. Muối làm tăng hương vị, giúp bảo quản thực phẩm, hỗ trợ các chức năng của cơ thể. Natri trong muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể, giữ cho tim, gan và thận hoạt động đồng bộ.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối sẽ gây hại cho cơ thể, đặc biệt ở những người mắc bệnh tim.
Việc giảm lượng muối ăn vào là điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao. Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn tới tình trạng ứ nước, gây căng thẳng cho tim và làm tăng nguy cơ suy tim.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nhiều natri và ít kali sẽ góp phần gây ra huyết áp cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Để giảm thiểu các rủi ro sức khỏe này, người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 5 gram muối mỗi ngày.
WHO cho biết: “Theo ước tính, mỗi năm sẽ giảm 2,5 triệu ca tử vong nếu lượng muối tiêu thụ trên toàn cầu giảm theo các khuyến nghị”. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 29.8.
Thở khò khè, khi nào cần đi bác sĩ khám?
Thở khò khè xảy ra khi có thứ gì đó gây tắc nghẽn một phần trong đường hô hấp. Âm thanh khò khè sẽ khác nhau tùy thuộc vị trí bị tắc nghẽn. Trong một số trường hợp, thở khò khè là dấu hiệu bệnh nặng và cần phải đến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tiếng thở khò khè sẽ hơi khàn nếu vị trí tắc nghẽn trong đường hô hấp nằm ở phần ngực trên hay cổ họng. Âm thanh khò khè sẽ bớt khàn hơn nếu vị trí tắc nghẽn nằm sâu trong phế quản.
Có nhiều nguyên nhân gây thở khò khè như viêm nhiễm đường hô hấp, tích tụ chất nhầy do cảm cúm, dị ứng do côn trùng đốt hoặc do hút thuốc lá. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh đường tiêu hóa như trào ngược a xít cũng có thể thở khò khè.
Triệu chứng thở khò khè cũng xuất hiện ở bệnh nhân bị hen suyễn nặng. Phần lớn các trường hợp thở khò khè có thể được điều trị tại nhà. Nhưng trong một số ít trường hợp, người bệnh cần phải đến bác sĩ điều trị.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây thở khò khè là do cảm cúm hoặc viêm đường hô hấp trên. Triệu chứng này sẽ hết khi tình trạng viêm nhiễm được cải thiện. Nếu đột nhiên thở khò khè mà không phải do dị ứng hay hen suyễn thì cần sớm đến bác sĩ khám ngay. Bác sĩ sẽ kiểm tra phổi, đặc biệt nếu triệu chứng khò khè đã kéo dài nhiều ngày. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!