Ngày 29/3, một cần cẩu nổi khổng lồ mang tên Chesapeake 1000 đã đến gần hiện trường nơi tàu container nặng 95.000 tấn đâm vào cầu Francis Scott Key khiến cây cầu đổ sập và 6 công nhân xây dựng thiệt mạng, trong đó, thi thể của 4 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Theo ông Wes Moore, Thống đốc bang Maryland, cần cẩu Chesapeake 1000 có thể nâng 1.000 tấn mảnh vụn. Tuy nhiên thách thức là cầu Francis Scott Key, hiện đang đè lên tàu container, có trọng lượng lên tới khoảng 3.000 – 4.000 tấn.
Điều đó có nghĩa là cây cầu đang đổ sập cần được phân thành nhiều mảnh trước khi di chuyển. Trong khi đó, các thủy thủ đoàn sẽ cố gắng làm việc nhanh chóng để có thể tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích, đồng thời mở lại tuyến hàng hóa quan trọng đối với nền kinh tế. Các quan chức cho rằng hoạt động này có thể kéo dài vài tuần.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều thiết bị hạng nặng được huy động tới hiện trường trong những tuần tới, bao gồm 7 cần cẩu nổi, 10 tàu kéo, 9 sà lan, 8 tàu cứu hộ và 5 tàu cảnh sát biển, ông Moore cho biết, nói thêm rằng hoạt động này sẽ cực kỳ phức tạp.
“Khi bạn có cơ hội nhìn cận cảnh đống đổ nát đó, bạn mới hiểu được mức độ to lớn của thử thách”, ông Moore nói.
Tàu chở hàng có chiều dài bằng 3 sân bóng đá, hiện đang bị một khung thép khổng lồ nặng tới 4.000 tấn đè lên mùi tàu.
Theo kỹ sư Scott Spellmon thuộc Công binh Lục quân Mỹ, có thể phải mất vài ngày để cắt và dỡ bỏ phần đầu tiên của đống đổ nát khổng lồ. Hơn 1.000 kỹ sư ở Baltimore và trên khắp đất nước đang nghiên cứu kế hoạch tốt nhất để loại bỏ đống đổ nát.
“Có một cây cầu giàn thép khổng lồ bắc qua lòng sông và ở phía dưới, sâu 15 mét, có thể có một số container và các mảnh vụn nặng khác mà chúng tôi phải dỡ bỏ”, ông Spellmon cho biết. Các nhà chức trách tin rằng 4 nạn nhân mất tích đang bị mắc kẹt trong đống thép và bê tông rối ren dưới nước.
Thống đốc Moore cho biết việc tìm kiếm những nạn nhân là ưu tiên hàng đầu. Ngoài thiệt hại về người, việc cầu Francis Scott Key bị sập và cảng Baltimore bị đóng cửa có thể dẫn đến hậu quả kinh tế lan rộng. Đây là cảng lớn nhất ở Mỹ về vận chuyển ô tô và xe tải nhẹ, xử lý kỷ lục 850.000 phương tiện vào năm ngoái.
Theo một chuyên gia, các công nhân phá dỡ có thể dọn sạch một phần đống đổ nát đang chắn ngang dòng sông, đủ lớn để tàu thuyền qua lại ngay sau một tháng kể từ khi các thiết bị cần thiết đến hiện trường.
Ngoài ra, một cần cẩu dài khoảng 732 mét cũng đã được triển khai để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ ô nhiễm từ tàu container. Các nhà điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết 56 container trên tàu chứa vật liệu nguy hiểm, chủ yếu là chất ăn mòn và dễ cháy, cũng như một số pin lithium-ion.
Ông Chris Van Hollen, Thượng nghị sĩ bang Maryland, cho biết Công binh Lục quân Mỹ sẽ chi trả toàn bộ chi phí để dọn sạch kênh nơi cây cầu bị sập.
Bên cạnh đó, các quan chức giao thông liên bang sẽ cung cấp 60 triệu USD như một khoản “trả trước” để loại bỏ các mảnh vụn, định tuyến lại giao thông và cuối cùng là xây dựng lại cây cầu.
Bang Maryland có thể yêu cầu tài trợ bổ sung. Phái đoàn quốc hội của bang cho biết sẽ thúc ép các nhà lập pháp liên bang của Mỹ tài trợ cho dự án xây dựng lại cây cầu này.
Hoài Phương (theo CNN)