Giá cao su trên thị trường thế giới tiếp đà tăng
Theo thông tin từ Bản tin Thị trường Nông-Lâm-Thủy sản số ra mới nhất ngày 29/2 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 2/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á tăng so với tháng trước, thị trường được hỗ trợ bởi giá dầu thô cao, nhu cầu của Trung Quốc tăng và lo ngại thời tiết tại nước sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Ngày 28/2/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 301,3 Yên/kg (tương đương 2,0 USD/kg), tăng 7,9% so với cuối tháng 1/2024 và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2023. Diễn biến giá cao su RSS3 giao tại sàn Osaka từ tháng 12/2023 đến nay (ĐVT: Yên/kg).
Trong tháng 2/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á tăng so với tháng trước. Ảnh minh họa |
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày 28/2/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.835 NDT/ tấn (tương đương 1,92 USD/kg), tăng 2,6% so với cuối tháng 1/2024 và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuần tính đến ngày 25/2/2024, tồn kho cao su tự nhiên tại khu ngoại quan và thương mại tổng hợp Thanh Đảo là 666.100 tấn, giảm 9.600 tấn (tương đương giảm 1,4%) so với kỳ trước. Diễn biến giá cao su tại sàn SHFE từ tháng 12/2023 đến nay (ĐVT: NDT/tấn).
Tại Thái Lan, giá cao su tiếp tục trong xu hướng tăng. Ngày 27/2/2024, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 79,66 Baht/kg (tương đương 2,21 USD/kg), tăng 9% so với cuối tháng 1/2024 và tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo, điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở các vùng sản xuất cao su chính nước này từ ngày 1/3/2024 đến ngày 1/4/2024 có thể ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch mủ cao su.
Xuất khẩu khởi sắc, ngành cao su đặt mục tiêu trên 3 tỷ USD trong năm 2024
Trong tháng 2/2024, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định so với tháng trước. Tại các công ty cao su, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 270-305 đồng/ TSC. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 285-305 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước. Công ty Cao su Bình Long giữ giá thu mua ở mức 285-295 đồng/TSC. Công ty Cao su Bà Rịa giữ giá thu mua ở mức 283-293 đồng/TSC. Công ty Cao su Mang Yang giữ giá thu mua ở mức 270-278 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt khoảng 110 nghìn tấn, trị giá 161 triệu USD, giảm 47,7% về lượng và giảm 45,7% về trị giá so với tháng 1/2024; so với tháng 2/2023 giảm 16,1% về lượng và giảm 12,9% về trị giá.
Xuất khẩu khởi sắc, ngành cao su đặt mục tiêu trên 3 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh minh họa |
Nguyên nhân giảm là do tháng 2 có dịp nghỉ Tết cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc, nên hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam chậm lại. Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 2/2024 ở mức 1.464 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 1/2024 và tăng 3,8% so với tháng 2/2023.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su ước tính đạt khoảng 320 nghìn tấn, trị giá 458 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng 24,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 1/2024, các chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 63,42% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 133,39 nghìn tấn, trị giá 193,42 triệu USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 25,8% về trị giá so với tháng 12/2023.
Tuy nhiên, so với tháng 1/2023 vẫn tăng 42,3% về lượng và tăng 51,9% về trị giá. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,86% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 133,21 nghìn tấn, trị giá 192,74 triệu USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 25,9% về trị giá so với tháng 12/2023.
Trong tháng 1/2024, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 1/2023, trong đó đáng chú ý như: Latex, SVR 20, RSS3, cao su tái sinh, SVR 3L, SVR 10…
Về giá xuất khẩu, tháng 1/2024, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều tăng so với tháng 1/2023, trong đó đáng chú ý như: Latex, SVR 5, RSS1, RSS3, SVR 20, SVR 10, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR CV50…
Trên thị trường thế giới, giá cao su tự nhiên đã tăng lên mức cao trong 7 năm do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cùng với sản lượng kém ở Thái Lan. Năm 2024, ngành cao su đặt mục tiêu xuất khẩu cao su đạt kim ngạch 3,3 -3,5 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 1,18 triệu tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 2,13 tỷ USD, giảm 4,1% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so với năm 2022. Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ.
Năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Ấn Độ với gần 110,35 nghìn tấn, trị giá 161,06 triệu USD, giảm 19,6% về lượng và giảm 37,7% về trị giá so với năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ chiếm 9,35%, giảm so với mức 11,14% của năm 2022. Tại thị trường Ấn Độ, thị phần cao su của Việt Nam bị thu hẹp, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng so với năm 2022.