Giải ngân vốn đầu tư công còn khó khăn
Ngày 11/10, tại Quảng Nam, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP Đà Nẵng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các tỉnh thuộc Tổ công tác số 1 (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) hơn 55 nghìn tỷ đồng.
Các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án hơn 53 nghìn tỷ đồng. Trong 5 địa phương tham dự cuộc họp, chỉ có duy nhất tỉnh Quảng Nam chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch với số vốn hơn 442 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, 5 địa phương gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 do công tác GPMB, Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB.
Ngoài ra, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu cũng là nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng gặp khó bởi khi cần thực hiện điều chỉnh dự án, gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay phải tuân theo quy định của các Nghị định liên quan đến vay vốn, sửa đổi Hiệp định vay vốn của Chính phủ.
Kiến nghị đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, một số địa phương kiến nghị về chủ trương thực hiện các dự án mới, chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình trên địa bàn như: QL1; QL14D; QL14G; QL14B; QL40B; QL14H.
Tỉnh Bình Định đề nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Còn TP Đà Nẵng đề nghị xem xét bổ sung dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường QL14G (đoạn từ QL14B đến Trường Tiểu học Lâm Quang Thự) vào danh mục các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, giao cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, những đề xuất của địa phương về nâng cấp các tuyến quốc lộ do địa phương quản lý là đúng, cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế thì việc này rất khó.
Về đầu tư các tuyến đường liên tỉnh theo đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ. Nếu các địa phương có nguồn lực thì Bộ GTVT cũng sẽ cân đối để hỗ trợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn chậm, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024 là trên 95% kế hoạch được giao.
Phó thủ tướng đề nghị các địa phương phải xác định rõ, nhận thức rõ trách nhiệm chính trị của mình trong chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phải quyết tâm cao hơn trong khắc phục các hạn chế giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương bám sát các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, chú ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB các dự án, làm tốt công tác tái định cư, tập trung cho các dự án trọng điểm của địa phương.
Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn cung nguyên vật liệu cho các công trình, thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt giá cả và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng…
Theo Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là hơn 677 nghìn tỷ đồng.
Đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ, chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án hơn 665 nghìn tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cac-tinh-mien-trung-kien-nghi-bo-sung-von-nang-cap-nhieu-tuyen-quoc-lo-192241011181550617.htm