Các nhà máy năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời sắp bước vào mùa giảm phát điện lên lưới lớn nhất trong năm khi tiêu dùng điện công nghiệp giảm mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-1, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo cho biết thông thường vào dịp Tết Nguyên đán, các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ bước vào giai đoạn bị cắt giảm công suất mạnh.
Nhiều nhà máy điện tái tạo sẽ giảm mạnh công suất phát
Cụ thể, từ giai đoạn nghỉ Tết, tùy theo khung giờ, các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được yêu cầu giảm phát từ 20-50% công suất. Đáng chú ý, có những thời điểm các doanh nghiệp sẽ bị cắt giảm 60-80% công suất phát. Đỉnh điểm của việc giảm phát sẽ rơi vào các ngày nghỉ lễ chính thức của dịp Tết khi nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh bởi hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất và cơ sở công nghiệp đóng cửa nghỉ lễ, dẫn đến dư thừa nguồn cung điện trên hệ thống lưới quốc gia.
Theo một doanh nghiệp, nếu tính tổng công suất đã bị cắt giảm trong những năm qua, sản lượng điện đã sản xuất từ các nhà máy bị giảm phát đã lên đến hàng trăm nghìn MWh.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm, một số thời điểm thấp điểm trưa có thể giảm khoảng 60% so với ngày thường.
Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải.
Theo EVN, khi nhu cầu tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện… đã ngừng hoặc giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ sẽ dẫn đến yêu cầu bắt buộc là phải giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió) để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.
Lối ra cho ngành năng lượng tái tạo
Các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại rằng nếu tình trạng giảm phát kéo dài sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ngành năng lượng tái tạo, vốn được kỳ vọng là trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
“Doanh thu của các nhà máy điện mặt trời và điện gió phụ thuộc chủ yếu vào lượng điện bán được lên lưới. Khi bị giới hạn sản lượng, các nhà đầu tư không chỉ mất nguồn thu mà còn phải đối mặt với các khoản chi phí vận hành cố định, thậm chí là chi phí vay vốn đầu tư ban đầu. Do đó doanh nghiệp mong muốn có cơ chế huy động các nguồn điện hài hòa lợi ích của các bên”, một doanh nghiệp cho biết.
Theo các chuyên gia, việc triển khai các hệ thống lưu trữ năng lượng như pin lithium hoặc thủy điện tích năng sẽ giúp điều tiết nguồn cung và giảm áp lực cho lưới điện trong các giai đoạn dư thừa công suất.
Bà Sunita Dubey (chuyên gia quốc tế về năng lượng) cho hay việc tích hợp hệ thống lưu trữ vào cơ sở hạ tầng và lưu trữ năng lượng dư thừa sẽ giúp tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí điện. Tuy nhiên, để tối ưu hóa những lợi ích này, Việt Nam phải đẩy nhanh việc triển khai hệ thống lưu trữ và thực hiện thêm các chính sách, quy định nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống này.
Ông Phạm Đăng An – phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group – cho rằng bên cạnh thiếu hành lang chính sách, việc lưu trữ năng lượng gặp khó về mặt thương mại vì chi phí đầu tư công nghệ lưu trữ vẫn còn cao và khó khăn trong việc đánh giá tính kinh tế của việc lưu trữ điện. Tuy nhiên, trong tương lai, những rào cản trên sẽ được tháo gỡ khi công nghệ thay đổi, giá thành rẻ hơn và có hành lang pháp lý rõ ràng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cac-nha-may-nang-luong-tai-tao-buoc-vao-mua-cat-giam-phat-dien-len-luoi-20250115082208019.htm