+ Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ rằng báo chí trong năm 2023 nhìn chung đã làm “tốt hơn năm trước rất nhiều”. Là người luôn theo dõi rất sát đời sống báo chí, ông nhìn nhận như thế nào về báo chí Việt Nam năm 2023 vừa qua? Theo ông, những điểm tốt hơn, tích cực hơn trong năm qua của báo chí Việt Nam là gì?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Trong năm 2023, về cơ bản báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các cơ quan báo chí có sự chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Các cơ quan đã tích cực thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Đặc biệt với các hoạt động đối ngoại – điểm sáng của Việt Nam trong năm 2023 – báo chí đã phản ánh nhanh hơn, kịp thời hơn và sáng tạo hơn so với cách làm truyền thống lâu nay.
Trong năm qua, báo chí tiếp tục chú trọng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Báo chí cũng tuyên truyền đậm nét về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo đúng định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào năm 2021.
Đặc biệt điều đáng mừng là trong năm qua, các cơ quan báo chí đã bắt đầu chú trọng hơn tới việc xây dựng chuyên mục, có các loạt bài về những câu chuyện nhân văn, từ đó tôn vinh giá trị sống đẹp, góp phần lan toả năng lượng tích cực trong xã hội. Việc các tuyến bài này thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả cho thấy công chúng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những con người, những việc làm tử tế, và việc “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, vẫn luôn là hướng đi đúng đắn của báo chí.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng bên cạnh những chuyển biến tích cực vẫn còn những vệt màu xám trong bức tranh báo chí 2023. Đó là tình trạng một số phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử, việc lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí; vẫn còn một bộ phận người làm báo dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
+ Nhiều ý kiến cho rằng chính áp lực kinh tế khiến nhà báo sa ngã, việc phải vật lộn với “cơm áo gạo tiền”… là nguyên nhân khiến nhiều nhà báo bẻ cong ngòi bút, hạ thấp đạo đức nghề nghiệp của mình. Ông có đồng tình với quan điểm này?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi cho rằng câu chuyện đạo đức nghề báo và kinh tế báo chí phải được hiểu một cách thấu đáo. Đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều quan trọng, nhưng riêng trong lĩnh vực báo chí thì còn quan trọng hơn rất nhiều. Mỗi vấn đề cần được nói lên ở mức độ nào, cách thức truyền tải như thế nào đều thể hiện trách nhiệm của người làm báo với công chúng. Mỗi người làm báo phải ý thức rõ vấn đề này, phải xem đó là những nguyên tắc bất di bất dịch của nghề báo.
Thời gian qua, một bộ phận nhà báo đã có những hành vi sai trái, thậm chí là vi phạm pháp luật và làm mất niềm tin của độc giả. Nhưng không thể lấy khó khăn về tài chính, về cơ chế để biện minh cho những việc làm sai trái của các cơ quan báo chí hay các cá nhân, các nhà báo. Sứ mệnh của báo chí là phụng sự độc giả, khán thính giả, phục vụ Nhân dân.
Do đó, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, đảm bảo về mặt định hướng thông tin tuyên truyền, phối hợp thắt chặt quản lý các cơ quan báo chí, cá nhân vi phạm. Những cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ kiến nghị có những giải pháp mạnh tay, thậm chí là rút giấy phép, lãnh đạo các báo có phóng viên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm.
+ Nhưng rõ ràng thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 và năm 2023, kinh tế báo chí đã trở thành vấn đề đau đầu nhất đối với các tòa soạn, thưa ông?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Tình trạng sụt giảm nguồn thu của báo chí, đặc biệt là báo in, đã được dự liệu từ trước và thực tế đã khởi phát từ nhiều năm qua. Nhưng không chỉ báo in mà phát thanh truyền hình, và ngay cả báo điện tử cũng không đủ sức hút với cả độc giả và doanh nghiệp trước sự lấn át của mạng xã hội, vì thế doanh thu đi ngang hoặc thậm chí đi xuống.
Đơn cử như lĩnh vực phát thanh – truyền hình, tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh – truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Lý do là nguồn lực quảng cáo dành cho digital nói chung tăng lên, nhưng một tỷ lệ khá lớn rơi vào túi như các ông lớn như Google, Facebook… và một số nền tảng công nghệ lớn khác. Theo nhiều nghiên cứu, trong tương lai, những cơ quan báo chí phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn hơn.
+ Kinh tế báo chí ngày càng nan giải, trong khi đó, người làm báo, các tòa soạn vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền. Thưa ông, nên chăng, đã đến lúc cần có thêm những giải pháp “gỡ” kinh tế báo chí để các toà soạn bớt chật vật, để người làm báo sống, trụ được với nghề và toàn tâm với sứ mệnh truyền tải thông tin?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Gần đây các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí. Đơn cử đã có những văn bản của Chính phủ yêu cầu phải tăng cường truyền thông chính sách và đặt hàng các cơ quan báo chí. Đây là giải pháp rất quan trọng có thể giúp các cơ quan báo chí có nguồn thu một cách đúng đắn. Đặc biệt, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự đổi mới trong tư duy về công tác truyền thông chính sách của các cơ quan Nhà nước, yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương bố trí bộ máy, con người và nguồn lực ngân sách phù hợp cho công tác này, trong đó có ngân sách để đặt hàng giao nhiệm vụ cho báo chí tham gia truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cách làm này rất đúng, bởi báo chí đã dành thời lượng và dung lượng nhất định để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như địa phương, thì việc được cung cấp một khoản kinh phí từ ngân sách là điều dễ hiểu và đương nhiên. Dẫu vậy, từ mục đích rất đúng đắn đó cho đến việc thực hiện hiện còn nhiều khó khăn. Ví dụ như một số cơ quan báo chí cho rằng việc xây dựng định mức khó khăn hoặc định mức còn thấp do tính theo tiền lương cơ sở; rồi khoản chi ngân sách cho báo chí còn thấp (chi thường xuyên dưới 0,5%, chi đầu tư dưới 0,3%. Đó là những điểm vướng phải được tháo gỡ để giúp báo chí có nguồn kinh phí trong khi đóng góp vào việc tuyên truyền chính sách.
Ngoài ra còn phải kể đến vấn đề thuế báo chí, tuy đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp rõ ràng. Theo nhiều cơ quan báo chí, trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn, nguồn thu giảm mạnh, việc bãi bỏ quy định trong Thông tư 150/2010/TT-BTC “chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp của báo là số tiền thưởng báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp” sẽ khiến nhiều cơ quan báo chí tự chủ tài chính đối diện với rất nhiều khó khăn trong khi vẫn phải thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
+ Gỡ vướng kinh tế báo chí từ chính sách rõ ràng không phải là chuyện ngày một ngày hai. Thế nên, điều quan trọng vẫn là các cơ quan báo chí cần chủ động trong việc đa dạng hóa nguồn thu, phải vậy không, thưa ông?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Đúng vậy. Tôi luôn giữ quan điểm rằng trong câu chuyện kinh tế báo chí thì sự chủ động, nỗ lực tự thân của các toà soạn mới là yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững của báo chí. Doanh thu quảng cáo tuy vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng không còn là khoản thu lớn như trước kia, và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng báo chí không nên quá lệ thuộc vào nguồn thu quảng cáo. Thực tế cũng cho thấy nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến dù tăng cũng không thể bù đắp khoản sụt giảm của nguồn thu báo in. Các nguồn thu từ truyền thông chính sách chẳng hạn, là yếu tố rất quan trọng nhưng hãy xem đây là một phần tạo nên nguồn thu của cơ quan báo chí.
Chúng ta phải xác định, Nhà nước chỉ tạo điều kiện thuận lợi, chứ không thể làm thay việc của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí không nên quá lệ thuộc, quá trông chờ vào duy nhất nguồn thu này mà cần phải tự nỗ lực để vươn lên, chủ động hơn nữa nhằm đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, từ đó đa dạng hoá nguồn thu. Theo các nghiên cứu của quốc tế, mỗi cơ quan báo chí cần phải áp dụng tối thiểu 3 – 4 mô hình kinh doanh thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Nhìn ra thế giới, câu chuyện sống được thông qua nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu được nhận diện tại nhiều tờ báo lớn. Chẳng hạn tờ Guardian kết hợp giữa thu phí trên ứng dụng đọc tin với mô hình tài trợ, quảng cáo digital, doanh thu từ các nền tảng công nghệ và cơ quan đoàn thể, và cả tổ chức sự kiện. Financial Times, vốn thành công với mô hình thu phí đọc báo điện tử, cũng áp dụng mô hình quảng cáo hiển thị và bài viết quảng cáo (native advertising), ngoài ra còn có dịch vụ tư vấn truyền thông, đồng thời tổ chức sự kiện khá rầm rộ, chẳng hạn như sự kiện thường niên FT Weekend Festival.
Thậm chí, nhiều tờ như Washington Post còn tạo nguồn thu từ cả thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu, kinh doanh cả công nghệ. Washington Post tự xây dựng một hệ thống quản trị nội dung (CMS) và nó tốt đến mức sau khi sử dụng hiệu quả trong tòa soạn thì họ đã bán cho 400 cơ quan báo chí khác trên toàn thế giới.
Một số cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng đã cố gắng đa dạng hóa nguồn thu, chẳng hạn như tổ chức sự kiện, các giải đấu thể thao, thử nghiệm thu phí digital, tuy nhiên hiệu quả mới chỉ đạt ở mức khiêm tốn.
Cần phải khẳng định ngay rằng việc này rất khó, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta phải cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ liên tục có cách thức mới, cộng thêm hành vi người dùng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là báo chí phải dám chấp nhận rủi ro để thử nghiệm những cách làm mới mẻ và tìm ra cách thức nào phù hợp với mình nhất. Thêm vào đó là phải kiên trì và bền bỉ, dám đi đến cùng với những thử nghiệm, kiên định bám chắc những thế mạnh riêng có của mình. Thành công sẽ không đến với những ai không có sự bền tâm, vững chí.
+ Trong nhiều giải pháp tạo nguồn thu cho báo chí, gần đây có nhiều ý kiến nhấn mạnh tới câu chuyện tạo nguồn thu trên nền tảng số. Liệu đây có phải là con đường mà các cơ quan truyền thông Việt Nam sẽ phải đi để đảm bảo kinh tế báo chí?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Câu chuyện đa dạng hóa nguồn thu của báo chí thế giới như tôi vừa nói cũng chính là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ để kiến tạo nguồn thu. Nói chuyển đổi số là yếu tố sống còn với các tòa soạn, không chỉ tạo ra những cơ hội phát triển mới mà còn đem lại sự đa dạng về nguồn thu, giúp báo chí đa dạng hóa mô hình kinh doanh là vì vậy. Kinh doanh dữ liệu, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết hay trở thành đối tác kinh doanh của các nền tảng số là ví dụ. Mô hình kinh doanh báo chí tương lai sẽ tập trung nhiều vào chuyển đổi số, dữ liệu số, đa kênh, đa dạng hoá nguồn thu từ việc hợp tác, liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp…
Tại Báo Nhân Dân, chúng tôi đã xây dựng một chiến lược chuyển đổi số gồm 11 trụ cột rất rõ ràng, từ việc phát triển theo mô hình cơ quan báo chí – công nghệ, phát triển đa nền tảng, thúc đẩy tư duy sản phẩm, ứng dụng AI,… Báo đã áp dụng cách thức làm báo hiện đại, đặc biệt đầu tư báo chí dữ liệu mạnh mẽ để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, tăng mức độ tương tác với bạn đọc.
+ Nhưng nói tới câu chuyện sản xuất nội dung trên nền tảng số không thể không nhắc tới bảo vệ bản quyền. Hiện tượng vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng và nếu không có giải pháp hiệu quả thì đây lại chính là lực cản làm suy giảm nguồn thu của báo chí. “Việc cần làm ngay” trong câu chuyện bảo vệ bản quyền báo chí trong thời gian tới là gì, thưa ông?
– Nhà báo Lê Quốc Minh: Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay. Vì thế, đó là việc không những cần làm ngay mà phải làm quyết liệt, làm đến cùng và cần sự chung tay của nhiều phía. Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi chủ trương trong thời gian tới phải bắt đầu “cuộc chiến tổng lực” để bảo vệ bản quyền báo chí bởi nếu không, báo chí sẽ rất khó tiếp tục tồn tại và phát triển.
Trong cuộc làm việc gần đây với tập đoàn Google, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn về việc Google phải giúp báo chí Việt Nam làm được ba việc. Đầu tiên, Google phải bảo đảm được vấn đề bản quyền cho báo chí. Google có công cụ, có nền tảng để hỗ trợ việc bảo vệ bản quyền; những đối tượng “trộm”, “xào nấu” nội dung cần phải được dán nhãn để giúp báo chí bảo vệ bản quyền. Tiếp đến, Google cần giúp báo chí bảo vệ nguồn thu. Sau cùng, Google cần giúp báo chí về đào tạo. Vừa qua, tập đoàn này đã phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo rất quy mô, kéo dài trong 5 tháng và mang lại nhiều hiệu quả, và chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục các chương trình đào tạo như vậy trong những năm tiếp theo.
Sắp tới, cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc, bên cạnh Hội báo Toàn quốc 2024, chúng tôi cũng có một phiên thảo luận riêng về chủ đề này. Sự tiến bộ về công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến cho cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Nếu chưa bảo vệ được bản quyền báo chí thì không thể hoạt động một cách chuyên nghiệp chứ chưa nói đến phát triển lành mạnh. Vì thế, các cơ quan báo chí nên nắm tay nhau, sát cánh cùng Hội Nhà báo Việt Nam trong cuộc chiến này.
+ Xin cảm ơn ông!
Hồng Sâm (Thực hiện)