Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN diễn ra tại Đà Nẵng đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng khẳng định vai trò then chốt của truyền thông trong việc đóng góp vào mục tiêu trang bị kiến thức cho công dân, là động lực để thúc đẩy một cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng.
Các Bộ trưởng Thông tin ASEAN thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về truyền thông. Ảnh: Thùy Trang
Khẳng định vai trò then chốt của truyền thông
Ngày 23.9, thay mặt các Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN, với tư cách là nước Chủ tịch Hội nghị, Thứ tưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã thông báo các kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI) và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 AMRI+3).
Hội nghị AMRI 16 đã được Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP Đà Nẵng từ ngày 22 đến ngày 23.9.2023. Chủ đề xuyên suốt của AMRI 16 là “Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm công bố các nội dung được thông qua sau hội nghị. Ảnh: Thùy Trang
Thông qua hội nghị, các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đã khẳng định và định vị vai trò của ngành thông tin trong giai đoạn mới là từ “thông tin” tới “tri thức”. Thông tin sẽ trở thành một phương tiện tích cực cho việc học tập trọn đời, nâng cao nhận thức và trình độ kỹ thuật số cho công dân ASEAN.
Các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn AMRI “ASEAN 2035: Hướng tới một Ngành Thông tin và Truyền thông có tính chuyển đổi, thích ứng, và tự cường” nhằm thúc đẩy đạt được tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và hỗ trợ triển khai kế hoạch tương ứng trên 3 trụ cột ASEAN.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội nảy sinh từ sự hội tụ và chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng sau năm 2025, nhấn mạnh vai trò chuyển đổi của truyền thông trong việc trao quyền cho cá nhân, cộng đồng và xã hội và chuyển đổi từ việc tiêu thụ thông tin thụ động hướng tới việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động, khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét việc xây dựng kế hoạch tổng thể về chuyển đổi kỹ thuật số cho báo chí và truyền thông.
Đặc biệt, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về “Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”, trong đó công nhận vai trò then chốt của truyền thông trong việc đóng góp vào mục tiêu hướng đến công dân được trang bị kiến thức, thúc đẩy tiếp thu kiến thức như động lực để thúc đẩy một cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng, đồng thời thúc đẩy bản sắc ASEAN để gắn kết xã hội và làm sâu sắc thêm ý thức là một phần của khu vực nhằm hành động trước bối cảnh truyền thông đang thay đổi do chuyển đổi kỹ thuật số.
Hợp tác tích cực ứng phó, xử lý tin giả
Bên cạnh đó, cũng tại hội nghị, các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đã thông qua kế hoạch hành động của Nhóm Đặc trách ASEAN về tin giả (PoA of TFFN).
Đây là một trong những nỗ lực không ngừng của ngành thông tin trong việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng bao gồm tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, quan điểm cực đoan và chủ nghĩa cực đoan.
Ngoài ra, hướng dẫn quản lý thông tin của chính phủ trong việc chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông cũng được hội nghị thống nhất thông qua. Hướng dẫn nhằm xây dựng một khuôn khổ về cách các chính phủ có thể ứng phó với thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm đang được phổ biến trên các phương tiện truyền thông hoặc trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Các Bộ trưởng Thông tin ASEAN thống nhất thiết lập các tiêu chuẩn và thông lệ tốt cho các quan chức thông tin của chính phủ; nâng cao tính chính xác và độ tin cậy, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động truyền thông của chính phủ; cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng hoặc các trường hợp khẩn cấp; và để đảm bảo rằng thông tin của chính phủ minh bạch và có trách nhiệm.
laodong.vn