Cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang… là những bệnh lý phổ biến và có xu hướng gia tăng trong mùa mưa bão do điều kiện thời tiết ẩm ướt và thay đổi nhiệt độ đột ngột.
>>> Bác sĩ chia sẻ cách phòng bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng trong mưa lũ
Tiến sĩ – bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết mùa mưa là thời điểm mà các bệnh lý viêm đường hô hấp dễ bùng phát do điều kiện thời tiết ẩm ướt và thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Theo ghi nhận của Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang… đang có xu hướng tăng cao trong mùa mưa. Đặc biệt, các nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.
Các triệu chứng viêm đường hô hấp
Bệnh lý viêm đường hô hấp có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, sau đó nếu không được điều trị đúng cách có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng nhẹ ở mức hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, đau họng, khản tiếng, mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ… Các triệu chứng trung bình sẽ gồm sốt cao kéo dài, trên 38.5°C, đau tức ngực, khó thở nhẹ, ho có đờm xanh, vàng hoặc mủ, mất vị giác hoặc khứu giác, đau nhức cơ thể. Các triệu chứng nặng (tức cần cấp cứu ngay) cần chú ý triệu chứng như khó thở, thở gấp, hụt hơi, môi, da tái xanh, ngất xỉu, chóng mặt, đau ngực dữ dội, không dứt, ho ra máu, tri giác thay đổi, lơ mơ, mất tỉnh táo…
CẢNH BÁO: Lũ trên sông Hồng còn lên nhanh, Hà Nội nguy cơ lụt rất cao
Khi nào cần sự can thiệp của bác sĩ?
Theo bác sĩ Mẫn, nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng dưới đây, cần đi khám ngay hoặc gọi cấp cứu như sốt cao trên 39 độ C không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt; khó thở, thở gấp, đặc biệt khi không thể nằm thẳng hoặc khi nằm thấy khó thở hơn; ho kéo dài trên 10 ngày, đặc biệt là ho ra máu hoặc đờm có màu lạ (xanh, vàng đậm); mệt mỏi quá mức, không thể tự sinh hoạt bình thường; trẻ nhỏ và người cao tuổi mắc bệnh kéo dài hơn 3 ngày mà không thuyên giảm.
Hướng dẫn chăm sóc khi mắc bệnh viêm đường hô hấp
- Nghỉ ngơi nhiều: Giúp cơ thể phục hồi, tránh các hoạt động gắng sức.
- Uống nhiều nước: Đặc biệt là nước ấm để giữ ẩm cho cổ họng và giúp long đờm.
- Sử dụng thuốc đúng cách: Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol có thể được sử dụng. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt là vùng cổ, ngực và chân.
- Vệ sinh cá nhân: Súc miệng bằng nước muối ấm, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
- Ăn uống đầy đủ: Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi) và các chất dinh dưỡng khác để nâng cao sức đề kháng.
Phòng ngừa viêm đường hô hấp hiệu quả
- Rửa tay thường xuyên: Đây là biện pháp phòng ngừa hàng đầu, giúp loại bỏ vi khuẩn và vi rút lây lan qua tiếp xúc.
- Tiêm ngừa: Các loại vắc xin phòng cúm và viêm phổi có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ.
- Đeo khẩu trang: Khi ra ngoài hoặc ở nơi đông người, đeo khẩu trang giúp ngăn chặn virus lây qua đường giọt bắn.
- Duy trì môi trường sống thoáng mát: Giữ cho nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, tránh ẩm ướt để vi khuẩn không có điều kiện phát triển.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Bằng cách ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc.
“Mùa mưa luôn là khoảng thời gian thuận lợi cho sự phát triển của các bệnh lý viêm đường hô hấp. Việc nhận biết sớm triệu chứng, chăm sóc đúng cách và phòng ngừa hiệu quả là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình. Đừng chủ quan khi có các dấu hiệu bất thường, hãy thăm khám bác sĩ ngay khi cần thiết để đảm bảo an toàn”, bác sĩ khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-benh-ly-viem-duong-ho-hap-gia-tang-trong-mua-mua-bao-185240910115233135.htm