Tại Toạ đàm với doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn bai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Toạ đàm với các doanh nghiệp Brazil. |
Sáng 24/9 (giờ địa phương), tại Sao Paulo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Toạ đàm với các doanh nghiệp Brazil.
Phát biểu ý kiến gợi mở định hướng Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp, nhưng do khoảng cách địa lý hai nước chưa khai phá hết tiềm năng. Thời gian tới, hai bên sẽ có giải pháp khắc phục tốt hơn khi không gian phát triển kinh tế, thương mại hiện nay là rất lớn. Brazil hiện có có 8 triệu km2, thị trường 214 triệu dân, vì thế hai nước có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, không có điểm xung đột, dựa trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm. |
“Việt Nam luôn biết Brazil là đất nước của bóng đá, của Vua bóng đá Pele, giàu lòng nhân ái, cởi mở, một nền văn hoá Mỹ Latinh đặc sắc, một nước mạnh của Nam Mỹ, trong nhóm nước G20”, Thủ tướng nói. Hai nước có điểm tương đồng, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, chuộng tình cảm bạn bè, kinh doanh có đạo đức.
Theo người đứng đầu Chính phủ, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhưng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng. Kim ngạch thương mại mới đạt 7 tỷ USD, mặc dù là là lớn nhất trong các nước Nam Mỹ nhưng chưa tương xứng tiềm năng, bởi thị trường Brazil còn rất nhiều dư địa mà hai bên chưa khai phá hết.
“Chúng ta cần giải quyết vấn đề hạn chế khoảng cách địa lý, khi hiện nay, hàng không, hàng hải phát triển, Việt Nam có nhiều cảng trung chuyển quốc tế, có thể khắc phục vấn đề này. Chúng ta cần tìm những mặt hàng có thể bổ sung cho nhau, như nhập khẩu bông, đỗ tương, ngô từ Brazil và xuất khẩu da giày, dệt may, nông sản, điện tử”, Thủ tướng nói.
Chia sẻ về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, của dân và vì dân; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt ba trụ cột này, Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xây dựng đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ quốc tế; là thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả; xây dựng nền quốc phòng “4 không”.
Thủ tướng nêu rõ: “Các bạn Brazil hãy yên tâm đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế, vấn đề là hai nước tìm cách đến với nhau. Có thể chúng ta còn thiếu thông tin, e ngại về khoảng cách địa lý, chưa hiểu hết thị trường của nhau, do đó cần tăng cường kết nối doanh nghiệp”. Thủ tướng mong các doanh nghiệp Brazil lan toả tinh thần này, vì hai nước có nền tảng quan hệ chính trị tốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các doanh nghiệp Brazil vào được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam đồng nghĩa với việc tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với 600 triệu dân. Đồng thời, bày tỏ hy vọng hai bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-MERCOSUR.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam hiện đang thu hút mạnh mẽ đầu tư từ nước ngoài. Vừa qua, Việt Nam-Hoa Kỳ đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tạo điều kiện cho làn sóng dịch chuyển đầu tư. Từ đó, Việt Nam mong cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối mạnh mẽ hơn nữa.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Phan Thị Kim Hoa đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam hiện nay, đồng thời nêu rõ hai nước có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng lớn về hợp tác kinh tế, thương mại. Đại diện các doanh nghiệp Brazil cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, mong muốn đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Kết luận buổi Toạ đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay Việt Nam đang tập trung cho 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động thời kỳ mới; phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, viễn thông, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Brazil góp ý cho Việt Nam trong quá trình này.
Khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc Brazil mở Văn phòng Phòng thương mại và Công nghiệp tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu nhau, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển.
Cùng với đó, với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao thành tích cao phát triển, Việt Nam – Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng cho biết Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.