Sự hồi sinh Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ… thời gian qua cho thấy có thể chặn đứng lãng phí ở những đại dự án ngàn tỉ đồng “đắp chiếu” nhiều năm.
Hiện còn nhiều dự án quy mô ngàn tỉ đồng như Nhiệt điện Long Phú, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2…
Tình trạng lãng phí ngân sách đầu tư vào các dự án “đắp chiếu” quá rõ, gây xót xa cho cả xã hội nhưng để hồi sinh các đại dự án này, dẹp đi những “lô cốt” lãng phí cần những giải pháp mạnh, đột phá, thậm chí chấp nhận rủi ro của những người trực tiếp làm dự án. Có thể tham khảo kinh nghiệm từ đâu?
Ông Nguyễn Thành Hưởng
Từ hàng loạt sai phạm đến phát điện đúng hẹn
Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200MW, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh lên đến gần 42.000 tỉ đồng đã đi vào hoạt động hiệu quả được hơn một năm. Trung bình mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 7,2 tỉ kWh điện thương phẩm, góp phần đáp ứng cho nhu cầu điện của cả nước.
Nhưng chỉ 5 năm trước, năm 2019, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn “chìm” trong khó khăn, chưa rõ ngày về đích. Trong hơn 12 năm xây dựng dự án (2011 – 2023), dự án này đã xảy ra hàng loạt sai phạm. Lần lượt các cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra đều đã vào cuộc để làm rõ các sai phạm tại dự án. Từ đây hàng loạt cán bộ ban quản lý dự án, cán bộ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) – chủ đầu tư dự án – bị khởi tố, bắt giam, điều tra.
Tuy vậy cuối cùng dự án vẫn về đích, phát điện thương mại vào năm 2023 trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Một lãnh đạo PVN chia sẻ đây sẽ là một trong những dự án điển hình về khắc phục khó khăn, vượt qua mọi vướng mắc về đích đúng hạn để ngăn chặn lãng phí khối tài sản hàng tỉ USD của đất nước. Kinh nghiệm từ dự án này sẽ được đưa vào báo cáo Đại hội XIV sắp tới để rút kinh nghiệm cho việc chống lãng phí.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Hưởng, phụ trách Ban Quản trị rủi ro (PVN), nguyên trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 – đơn vị trực tiếp quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, giai đoạn 2013 – 2021, cho hay nhờ có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và PVN, với niềm tin dự án sẽ được tháo gỡ để hoàn thành nên dự án đã về đích. Đặc biệt, vào năm 2018, Đoàn công tác số 2 của Trung ương do bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải quyết tâm đưa dự án hoàn thành sớm.
Những nút thắt được gỡ thế nào?
Về mặt vốn làm dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, PVN không gặp khó nhưng ngay sau khi ký hợp đồng EPC (thiết kế – cung cấp thiết bị – thi công xây dựng) vào năm 2011, chủ đầu tư PVN đã tạm ứng vốn lần đầu cho PVC 1.115 tỉ đồng, nhưng tổng thầu này lại sử dụng tiền sai mục đích nên cơ quan công an đã vào cuộc điều tra dự án.
Ông Hưởng kể lại chuyện vào tháng 3-2013 ông về làm trưởng ban quản lý dự án thì đến tháng 10-2013 đề xuất cho điều chỉnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho phù hợp với thực tiễn đầu tư, bởi nếu không điều chỉnh dự án thì các nhà thầu không thi công. Đến tháng 12-2014, chủ đầu tư PVN mới chính thức đề xuất điều chỉnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Sau đó các bộ, ngành lập tổ chuyên ngành cho ý kiến thẩm định sau đó trình Chính phủ.
Và tới tháng 1-2016 dự án được lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cho điều chỉnh dự án, sau đó PVN chính thức phê duyệt điều chỉnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hướng tăng tổng vốn đầu tư lên đúng với thực tế xây dựng.
Và để đảm bảo dự án được triển khai liên tục, trong thời điểm cơ quan công an vào điều tra, năm 2014 Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 vẫn đề xuất tạm ứng dự án lần 2 khoảng 800 tỉ đồng để cho các nhà thầu phụ thi công phần móng dự án. Khi đó nhiều lãnh đạo tập đoàn phản đối nhưng ban quản lý dự án cam kết tạm ứng lần 2 sẽ sử dụng đúng mục đích.
Ông Hưởng nói: nếu không tạm ứng lần 2 thì không có tiền làm cọc, móng nhà máy. Thiết bị nhập về nhà máy không lắp được, không bảo quản được sẽ vừa tốn chi phí, vừa giảm chất lượng thiết bị. Có được cọc, móng nhà máy thì mới lắp được kết cấu thép, thiết bị nhà máy, mới tránh được hư hỏng.
Đối với nút thắt vốn cho Nhiệt điện Thái Bình 2 khi các ngân hàng dừng cấp vốn, ban quản lý dự án đã báo cáo chủ đầu tư PVN kiến nghị Chính phủ cho tập đoàn sử dụng vốn tự có để trả cả gốc và lãi vay làm dự án, đồng thời tự cấp vốn làm dự án. Phương án này sau đó được Chính phủ chấp thuận và điều này làm tăng hiệu quả dự án.
Vẫn giữ lại tổng thầu, đánh giá lại thầu phụ
Một lãnh đạo PVN chia sẻ, theo đúng quy định nếu tổng thầu làm dự án yếu năng lực thì thay, khi đó cấp có thẩm quyền cũng đề xuất thay tổng thầu làm dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Nhưng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 đã xuất phát từ thực tế dự án đề xuất không thay tổng thầu PVC bằng một tổng thầu khác.
Lý do vì tổng thầu PVC đã ký hợp đồng với khoảng 200 nhà thầu phụ trong và ngoài nước làm dự án để đảm nhận các khâu từ cấp thiết bị, vật tư, tư vấn. Ban quản lý dự án cũng thấy rằng nếu “đuổi” tổng thầu PVC thì hàng trăm hợp đồng PVC đã ký với các nhà thầu phụ sẽ phát sinh khiếu kiện, việc quyết toán khối lượng các nhà thầu phụ đã làm cũng rất khó khăn.
Hơn nữa, trường hợp chọn tổng thầu EPC mới thay thế PVC làm dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì tổng mới không chịu trách nhiệm về chất lượng các hạng mục nhà máy đã thi công, thời gian thi công kéo dài thêm khoảng 2 năm, chi phí đầu tư nhà máy tăng hơn 300 triệu USD và tổng thầu mới không chịu trách nhiệm về chất lượng.
Vì thế, giải pháp ban quản lý dự án đưa ra là tiếp tục giữ PVC làm tổng thầu EPC dự án nhưng đối với các nhà thầu phụ yếu, không đảm bảo năng lực thì ban quản lý dự án sẽ cắt phần việc của nhà thầu phụ ra để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị khác thực hiện với chi phí thấp hơn ban đầu. Nhiều gói thầu đấu thầu lại đã giảm giá từ 30 – 40% chi phí, ông Hưởng cho biết.
Lỗi “ước lượng” giá trị thầu
Về những sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Hưởng chia sẻ vào năm 2011 PVN chỉ định thầu, giao Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) nay đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (Petrocons) làm tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là sai phạm đầu tiên kéo theo những hệ lụy khác. Khi đó, PVC không đủ năng lực làm dự án nhưng vẫn được chỉ định thầu.
Việc phê duyệt giá trị gói thầu EPC (thiết kế – cung cấp hàng hóa – xây lắp) dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là 1,2 tỉ USD lúc đó cũng không có căn cứ rõ ràng. Chủ đầu tư chỉ căn cứ vào tổng mức đầu tư dự án tương đương là Nhiệt điện Vũng Áng với 1,17 tỉ USD để phê duyệt cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là chưa đầy đủ. Nhưng vì PVN chỉ định PVC làm tổng thầu EPC dự án nên không thể để mức quá cao so với những công trình có công suất phát điện tương tự như Nhiệt điện Vũng Áng. Điều này dẫn tới nhiều rắc rối trong quá trình điều chỉnh tổng vốn đầu tư Nhiệt điện Thái Bình 2 sau này.
Đến 2016 xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe biển xanh sai quy định tại Hậu Giang, ngay lập tức những người làm việc tại PVC bị ảnh hưởng. Đầu năm 2017 một số cựu lãnh đạo PVN bị khởi tố, bắt giam, các ngân hàng đồng loạt ngừng cấp vốn cho dự án theo cam kết. Đến năm 2019 Thanh tra Chính phủ vào thanh tra toàn diện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Tháng 10-2020 Thanh tra Chính phủ ra kết luận rõ đúng sai trong triển khai dự án.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ca-thoat-hiem-cua-nhiet-dien-thai-binh-2-20241121083033068.htm