Lâu nay, thi cử luôn tác động đến việc dạy học. Song năm nay, khi lứa học sinh (HS) đầu tiên chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn chưa công bố định hướng đề thi, đề thi mẫu khiến giáo viên (GV) luôn trong trạng thái thấp thỏm, bị động.
Năm nay, khi soạn đề cương môn toán lớp 11 phần lượng giác, một GV đặt câu hỏi theo định hướng thi trắc nghiệm, 100% HS trong lớp đều bấm máy tính ra kết quả. Để điều chỉnh câu hỏi theo hướng tự luận như trước đây thì rất rườm rà, mất công sức.
Vấn đề là sách giáo khoa (SGK) lại định hướng các câu đòi hỏi HS phải trả lời bằng tư duy. Do vậy, nếu GV chỉ chăm chăm dạy để thi trắc nghiệm thì HS mất luôn tư duy, chỉ cần bấm máy tính là xong. Ngược lại, GV dạy phát triển tư duy thì các em mất kỹ năng… bấm máy tính – vốn là công cụ đắc lực khi thi trắc nghiệm!
Việc Bộ GD-ĐT công bố tất cả các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn văn), dù sự đã rồi cũng khiến GV tâm tư. Thi trắc nghiệm sẽ kéo theo việc HS chỉ cần sử dụng máy tính là đủ. Trong khi đó, trong quá trình dạy học, GV được yêu cầu phải phát triển toàn diện tư duy, năng lực của HS. Thi mà chỉ cần sử dụng máy tính thì tư duy ở đâu? Nếu kết quả thi cử không cao thì gia đình, HS oán trách, GV sẽ lại gánh chịu thêm áp lực.
Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ khi GV thực hiện giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới. Chương trình mới được hiểu là chương trình sẽ giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống cho HS. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình, lộ trình thay SGK lại chia thành nhiều đợt, mỗi năm thay sách từng lớp ở mỗi cấp học. SGK bị “gãy khúc”, không liền mạch cũng khiến HS chới với.
Có thể lấy ví dụ HS lớp 12 năm nay chỉ học chương trình mới trong 3 năm, từ đó phát sinh những kiến thức mà các em chưa được học do kết cấu SGK không liền mạch. Đơn cử, môn toán lớp 12 yêu cầu kiến thức về hình trụ, hình nón, trong khi kết cấu chương trình mới lại đưa kiến thức phần này xuống lớp 9, song HS khi học lớp 9 lại đang học chương trình cũ, không có phần kiến thức đó! GV lại phải quýnh quáng bổ sung ngay cho HS những kiến thức còn thiếu. Không chỉ môn toán, rất nhiều môn cũng trong tình trạng tương tự.
Với mục tiêu giảm kiến thức hàn lâm nhưng SGK, sách hướng dẫn lại thiết kế không đồng bộ, không thể hiện được mục tiêu chương trình. Các yêu cầu trong từng bài học nhìn qua có vẻ nhẹ nhàng, HS chỉ cần hiểu sơ là được bởi đã cắt đi, lược bớt nhiều câu hỏi, song đó chỉ là cách giảm tải cơ học, không đầy đủ, bao quát. Từ thực tế này, GV phải bổ sung vì nội dung kiến thức đó tuy sách không trình bày nhưng ví dụ lại hỏi khiến HS không hiểu, không có định hướng chung. GV phải bổ sung đủ cách, đủ hình thức với phương châm “dạy thừa còn hơn bỏ sót”.
Bộ GD-ĐT không đưa ra ma trận đề thi thì GV không biết sẽ dạy những gì. Họ chỉ còn biết dạy hết, dạy cho đủ, dạy theo sách hướng dẫn, tham khảo. Như vậy thì không khác nào dạy theo chương trình cũ, kéo HS vào cuộc đua thi cử và do đó, việc giảm tải chương trình vẫn là mục tiêu khó đạt được.
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-thay-lan-tro-deu-choi-voi-196240929205301177.htm