Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cà phê - giữa hai chiều truyền thống và hiện đại

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương và du khách trên các mặt kinh tế, văn hóa, lịch sử tiêu biểu và giàu bản sắc của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk27/03/2025

Ở đó, từ người sản xuất đến các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê được tôn vinh, bởi chính họ đã góp phần đưa hương vị đặc sản này ra khắp nơi, từng bước khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt nói chung trên bản đồ cà phê thế giới.

Nhiều người cho rằng, qua 9 kỳ diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê ở đây cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý (kinh tế, văn hóa, xã hội) đã có mối quan tâm, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để hoàn thiện hơn từng bước đi trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu biến vùng đất Buôn Ma Thuột trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”. Trong mỗi bước đi ấy, điều quan trọng nhất là không ngừng nâng tầm chuỗi giá trị cho ngành hàng chiến lược này trên các mặt quy hoạch sản xuất cũng như chế biến và xuất khẩu dựa trên tư duy, tầm nhìn kết nối lịch sử cà phê Đắk Lắk giữa hai chiều truyền thống và hiện đại.

Về phương diện này,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ: Nhiều giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết cà phê đã được xúc tiến hết sức tích cực trong những năm gần đây. Trong sản xuất và chế biến ngành hàng này đã và đang có những chuyển biến khá hiệu quả. Đó là nỗ lực thúc đẩy việc tái canh vườn cà phê; tiếp tục đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sạch tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến (nhất là chế biến sâu) nhằm đa dạng hóa sản phẩm cà phê trên thị trường nội địa và quốc tế. Đặc biệt là ra sức phát triển sản xuất cà phê đặc sản nhằm phân khúc, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng tại những thị trường mới trong và ngoài nước. Từ định hướng ấy, ngành cà phê Đắk Lắk đang tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sản xuất cà phê bền vững.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, những bước đi quan trọng nữa là UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Công Thương hằng năm hỗ trợ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia cho Đắk Lắk để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường; quảng bá sản phẩm cà phê, nhất là sản phẩm cà phê có chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” ra thị trường thế giới. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên giải ngân cũng như có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột trong việc bảo hộ và phát triển thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; tổ chức hằng năm các cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam và rang xay cà phê tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Trịnh Đức Minh cho rằng, kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm nay nhằm tiếp tục  quảng bá, định vị thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột với những sản phẩm mới, an toàn và chất lượng từ truyền thống đến hiện đại. Bên cạnh cà phê rang xay truyền thống, thơm ngon nổi tiếng còn có sản phẩm cà phê phin giấy theo công nghệ Mỹ, cà phê viên nén, cà phê hạt rang nguyên chất theo từng giống riêng biệt như Arabica, Moka, Robusta và cà phê Culi mà trước đây rất ít người biết đến của Công ty Cà phê An Thái, Vương Thành Công, Anh Coffee, Huy Hùng, Coffee G20 Việt Nam và Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Những sản phẩm cà phê nói trên của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn Đắk Lắk đã dần tạo dựng được sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu, có khả năng định vị cũng như sức lan tỏa của thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế. 

Có thể nói, xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu theo đuổi của cộng đồng làm cà phê ở Đắk Lắk. Và đó còn được xem là “kịch bản” để hiện thực hóa danh xưng “Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới” mà mỗi kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột mở ra và kỳ vọng.

Đình Đối

Nguồn: https://baodaklak.vn/thoi-su/le-hoi-ca-phe-buon-ma-thuot/202503/ca-phe-giua-hai-chieu-truyen-thong-va-hien-dai-7cd16db/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm