Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người. Trong khi đó quy mô đào tạo khối ngành sư phạm không những không tăng mà còn giảm.
Sinh viên sư phạm giảm phân nửa
Điều trớ trêu là quy mô đào tạo khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên giảm mạnh ở năm trước đó. Quy mô đào tạo khối ngành này năm 2022-2023 chỉ còn 89.321, giảm hơn 62.000 sinh viên so với năm trước. Trong khi đó tình trạng thiếu giáo viên lại tăng lên.
Hiện nay Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 15 trường đại học sư phạm (6 trường đại học sư phạm, 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật, 2 trường sư phạm thể dục thể thao, 1 trường sư phạm nghệ thuật), 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù có đào tạo giáo viên, 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.
Các trường tuyển sinh, đào tạo 38 ngành trình độ đại học. Dù nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ về hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm tốt hơn so với trước đây nhưng kết quả tuyển sinh vẫn chưa như kỳ vọng.
Năm 2023, tỉ lệ thí sinh nhập học khối ngành sư phạm đạt 89,14%, cao hơn mức trung bình chung 82,45%. Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tuyển sinh sư phạm vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong đó có một số khó khăn chủ yếu như các địa phương không đặt hàng đào tạo, xử lý kinh phí đào tạo còn vướng, nhiều ngành khó tuyển.
Mặc dù năm 2023 có 32.500 thí sinh trúng tuyển nhập học nhóm ngành sư phạm, đạt 89,14%, cao hơn mức 80,16% của năm 2022. Tuy nhiên, số lượng thí sinh nhập học năm 2023 vẫn ít hơn năm 2022.
Có thể thấy không chỉ chỉ tiêu mà số thí sinh nhập học ngành sư phạm năm 2023 đều thấp hơn đáng kể so với năm 2022. Trong đó chỉ tiêu thấp hơn 12.000, số thí sinh nhập học thấp hơn 6.000.
Trong khi tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng, mỗi năm các trường, khoa sư phạm chỉ có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Năm 2021 có hơn 17.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp, năm 2022 giảm còn hơn 14.000 sinh viên tốt nghiệp.
Rất ít địa phương đặt hàng đào tạo
Liên quan đào tạo sư phạm, năm 2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc thực hiện nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như: tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỉ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng.
Tuy nhiên quá trình triển khai nghị định 116 cũng đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách.
Số sinh viên đăng ký hưởng chính sách là 30.807 sinh viên trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 và giao nhiệm vụ là 5.563. Chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.
Theo đó, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo) chiếm đến 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.
Một số cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ làm ảnh hưởng kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Mất công bằng
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Trong khi đó, nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.