“Nghêu ngao ngoài sân khấu lúc hay, lúc dở, lúc nhớ lời, lúc quên lời, ca sĩ nổi tiếng trên thế giới cũng thế. Chuyện hát sai lời chỉ là một sự cố đáng tiếc thôi” – nhạc sĩ Trần Tiến nhận định
Vẫn có những ngoại lệ
Theo nhạc sĩ Trần Tiến, có lúc ông hát bài của ông mà còn không biết bắt đầu từ đâu, vì không nhớ được lời. “Với bài “Rock đồng hồ”, tôi đã phải hỏi: Bài đó như thế nào nhỉ? Rồi mới hát được. Cho nên tôi không nặng nề chuyện hát sai lời. Cứ vui là được” – nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Ca sĩ Siu Black xác nhận từng hát sai lời. Theo chị, hát sai lời thường xuất phát từ nguyên nhân như bài mới, chưa tập nhiều nên có thể hát sai lời, hay nhầm lời bài hát. Thứ đến là do sự lan truyền lời bài hát không chính xác trên mạng, nếu không để ý là “dính” ngay”. Giải pháp tốt nhất theo ca sĩ Ánh Tuyết là nên kết nối với nhạc sĩ, để có được lời bài hát chính xác. “Lấy bài hát trên mạng không những dễ bị sai lời mà có khi còn sai cả nốt nhạc” – ca sĩ Ánh Tuyết khuyến cáo.
Nhưng cũng có trường hợp ca sĩ bị chỉ trích hát sai lời là oan. Cụ thể trong chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2022”, hai phần trình diễn “Đất nước tình yêu” (sáng tác: Trần Lệ Giang; thể hiện: Phạm Thu Hà) và “Biển hát chiều nay” (sáng tác: Hồng Đăng; thể hiện: Đào Tố Loan) bị một số khán giả đặt nghi vấn là ca sĩ hát sai lời. Tuy nhiên, sự thật Phạm Thu Hà và Đào Tố Loan đều hát đúng theo văn bản tác phẩm gốc được chính tác giả và người thân của họ cung cấp. Phiên bản lời sai nhiều người hát trước đó được phổ biến rộng rãi hơn, khiến khán giả có sự nhầm lẫn đáng tiếc như vậy.
Việc các tác phẩm có nội dung sai lời phổ biến hơn bản gốc là thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Rất nhiều tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ bị hát nhầm, sai lời khiến khán giả nghe quen, theo thời gian trở nên phổ biến rộng rãi còn bản gốc lại bị quên lãng.
Các nhà chuyên môn cho rằng, nhiều ca khúc bị hát sai lời có thể do ca sĩ không nắm được nội dung, tinh thần của ca khúc, hoặc tự ý đổi lời để hát thuận miệng hơn. Thực tế cho thấy không phải ai cũng có cơ hội gặp trực tiếp người nhạc sĩ để lấy được văn bản gốc và tìm hiểu ý nghĩa thấu đáo của từng ca từ trong lời bài hát nên việc hát sai lời là chuyện khó tránh khỏi.
Nhiều ca sĩ cũng cho biết hát sai lời thường gặp ở những ca khúc cũ, xưa mà lý do là họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một văn bản chính xác nhất.
Ca khúc hay nhờ sửa lời
Khán giả cũng từng chứng kiến không ít ca khúc trở nên thú vị hơn khi được sửa đôi chữ. Tất nhiên, điều này chỉ dừng lại ở mặt ngôn từ mà thôi. Dù có hay hơn thì việc được sự đồng thuận của tác giả khi sửa mới là điều quan trọng nhất.
Trong bài “Đêm thành phố đầy sao” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, trong đó câu: “Tôi đang nghe tiếng sóng Đồng Nai. Như đang nghe khúc hát ngày mai”, được sửa thành “Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông. Tôi đang nghe tiếng gió ngày Xuân” và được đánh giá là sửa rất hợp lý. Tương tự trong ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Từ Huy, câu hát “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường” được sửa thành “bắt cá giữa đồng” là cũng phù hợp.
Mới đây, ca sĩ Tuấn Ngọc gặp phải luồng dư luận trái chiều khi sửa lời bài hát “Tình bơ vơ” của nhạc sĩ Lam Phương. Theo đó, ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương có câu hát: “…Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi. Mây tím đang dâng cao vời. Mà tình thương chưa lên ngôi…”. Nhưng, qua phần thể hiện của ca sĩ Tuấn Ngọc, lời bài hát trở thành: “…Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Hai chữ “chiều nay” được ông hát thay cho “Việt Nam”.
Nhiều khán giả cho rằng việc ca sĩ Tuấn Ngọc cố tình hay vô ý hát sai lời ca khúc là điều không nên. Ca khúc “Tình bơ vơ” của Lam Phương được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam từ năm 2017 sau khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thẩm định phần nội dung ca khúc: “Ca khúc này có nội dung lành mạnh, không đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Đây là căn cứ để Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM tiến hành việc cấp phép lưu hành ca khúc. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc một ca sĩ sửa lời bài hát cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, mang nội dung, ý nghĩa đẹp đẽ, nhân văn là điều thường thấy và nên làm.
Trở lại với bài hát “Chú ếch con” của nhạc sĩ Phan Nhân chợt nổi tiếng với giọng ca nhí Lê Nguyễn Hương Trà tại cuộc thi hát thiếu nhi quốc tế Zecchino d’Ono lần thứ 46 ở Bologna, Ý. Khi phiên bản này trở nên nổi tiếng, khán giả cũng nhận ra một số từ trong bài hát này đã bị thay đổi. Trong khi Hương Trà đã hát là “rô ron” thì Xuân Mai hát “rô non” ở đoạn: “Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô ron”. Nhiều ý kiến cho rằng, nên hát là “rô con” hay “rô non” mới đúng (để tương ứng với “trê non” ở trên). Song có người không đồng tình, cho rằng phải hát là “rô ron” mới hay và đúng với lời bài hát gốc do nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác.
Nhạc sĩ Phan Nhân đã viết là “cùng bao chú cá rô con” trong lời 1 của bài hát. Nhưng thời gian sau đó, trong một lần trao đổi, nhạc sĩ Văn Dung có đề nghị ông nên thay chữ “con” thành “ron”, vì “con cá rô non, nhỏ ở miền Bắc người ta gọi là rô ron”. Phan Nhân quê ở An Giang, chưa thật rành tiếng Bắc, lúc đó đã reo lên vui sướng như một phát hiện và ông quyết định đổi ngay (thành rô ron).
Như vậy, toàn bộ lời bài hát (phần tiếng Việt) mà Hương Trà biểu diễn là chính xác. Mà thực tế, nghe cũng thấy hay vì tính độc đáo, giàu biểu cảm của nó.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-4
Theo các nhà chuyên môn, nghệ sĩ cần có sự sáng tạo và sự sáng tạo phải có những chuẩn mực và giới hạn nhất định. Người nghệ sĩ cũng cần trang bị cho mình nền tảng kiến thức về vấn đề bản quyền âm nhạc. Có như vậy thì mới có thể tạo ra những sản phẩm âm nhạc thực sự chất lượng.
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-khuc-phai-sinh-sang-tao-hay-pha-nat-khong-co-khai-niem-tuyet-doi-196240416204623786.htm