Ngày 12-12 vừa qua, tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032.
Đây là một sự kiện quan trọng nhằm bảo vệ loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời khôi phục và duy trì cân bằng sinh thái tại khu vực này.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Trị, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Phan Việt Nga, phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường); bà Saranya Paleewongse, phó đại sứ Thái Lan tại Việt Nam; đại diện Văn phòng Thủ tướng Thái Lan; ông Lê Quốc Phong, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Tháp, các tổ chức phi chính phủ, đoàn đại biểu quốc tế và nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
C.P. Việt Nam góp sức đưa đàn sếu trở về
Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong những khu bảo tồn đất ngập nước quan trọng nhất Việt Nam, được công nhận là khu ramsar thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng sếu đầu đỏ – biểu tượng của Tràm Chim – đã suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân bao gồm sự thay đổi chế độ thủy văn, biến đổi khí hậu, canh tác nông nghiệp quá mức và thu hẹp diện tích môi trường sống tự nhiên. Đặc biệt, quần xã năng kim – nguồn thức ăn chính của sếu – đã bị suy thoái nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh cảnh của loài này.
Để giải quyết tình trạng cấp bách này, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032. Theo kế hoạch, sau 10 năm triển khai, dự kiến có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả vào môi trường tự nhiên, trong đó 50 cá thể sẽ có khả năng sinh sống và phát triển ổn định.
Ông Montri Suwanposri, phó chủ tịch C.P. Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ.
Là một trong những doanh nghiệp đồng hành từ giai đoạn đầu, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cả về vật lực lẫn nhân lực cho dự án. Với kinh nghiệm từ các chương trình bảo tồn tại Thái Lan, đặc biệt là thành công tại tỉnh Buriram – nơi đã khôi phục quần thể sếu đầu đỏ hiệu quả, C.P. Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Thái Lan, giúp trao đổi kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế một cách thuận lợi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Montri Suwanposri, phó chủ tịch C.P. Việt Nam, chia sẻ: “C.P. Việt Nam không chỉ hướng đến mục tiêu bảo tồn sếu đầu đỏ mà còn mong muốn phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho trẻ em và thanh niên, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân tại vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, bảo tồn thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm, mà còn mang lại lợi ích kinh tế dài hạn cho cộng đồng. Như chúng tôi thường nói, ban đầu là người nuôi sếu, nhưng về sau, chính sếu sẽ nuôi người”.
Ngoài ra, C.P. Việt Nam cũng tích cực thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân, giúp tạo việc làm và cải thiện thu nhập. Những chương trình này đã góp phần giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Tràm Chim, đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cộng đồng và công tác bảo tồn.
Cam kết và hợp tác quốc tế
Ông Pawalit Ua-Amornwanit – tổng giám đốc C.P. Việt Nam ((thứ 5 từ phải sang) cùng với các nhà tài trợ nhận quà cảm ơn từ Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa.
Đề án bảo tồn không chỉ nhận được sự quan tâm từ các cơ quan, tổ chức trong nước mà còn có sự đồng hành của nhiều đối tác quốc tế. Thái Lan, với kinh nghiệm phong phú trong việc bảo tồn sếu đầu đỏ, đã chia sẻ mô hình nuôi sếu trong môi trường bán hoang dã, giúp loài này thích nghi dần trước khi tái hòa nhập hoàn toàn vào tự nhiên.
Bà Saranya Paleewongse, phó đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Việc bảo tồn sếu đầu đỏ không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia, mà còn là nhiệm vụ toàn cầu. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam và Thái Lan hợp tác chặt chẽ, cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững cho loài chim quý hiếm này”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ kỳ vọng rằng với sự nỗ lực của các bên liên quan, Tràm Chim sẽ sớm trở lại với hình ảnh thân thuộc của một vùng đất ngập nước trù phú, nơi đàn sếu đầu đỏ tung cánh bay về mỗi mùa xuân.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại lễ công bố đề án.
Đề án không chỉ là một kế hoạch bảo tồn mà còn là một tầm nhìn về phát triển bền vững, bảo vệ di sản thiên nhiên cho thế hệ mai sau. Với sự đồng hành của C.P. Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, câu chuyện “đưa đàn sếu trở về” không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là niềm tự hào, đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ của Đồng Tháp trong việc bảo vệ thiên nhiên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/c-p-viet-nam-chung-tay-bao-ton-seu-dau-do-20241216170301605.htm