Buổi lễ rất đặc biệt vừa được các đơn vị tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam).
Điều xúc động nhất là khi lên sân khấu, hình ảnh những người phụ nữ lầm lũi với nắng nóng, bụi bặm ngoài các tiệm đồng nát như hóa thân thành những cô gái trẻ trung với bộ áo dài khoác trên mình.
“Áo em chưa mặc một lần”
Như những người phụ nữ Việt Nam khác, áo dài không chỉ là một trang phục mà là “tài sản” kỷ vật mà mỗi người phụ nữ dù khó nghèo hay giàu sang đều sắm riêng cho mình.
Với những người làm nghề nhặt ve chai ở TP Hội An, đa số họ cũng có nhưng do công việc đặc thù nên hầu như trang phục này đều bỏ tủ cất kín.
Dù năm thứ 2 lễ tôn vinh, tri ân chị em phụ nữ làm nghề nhặt ve chai được tổ chức tại TP Hội An nhưng cũng có những sự bối rối xen lẫn bùi ngùi.
Bà Thùy Anh, cán bộ cấp cao về truyền thông và phát triển cộng đồng một tổ chức tham gia đồng hành với sự kiện, kể rằng một sự cố “dễ thương” nhưng cũng đầy bùi ngùi là lúc ban tổ chức gọi tên từng phụ nữ nhặt ve chai lên nhận quà.
Từng người lúng túng khi lần đầu tiên lên bục để bắt tay quan khách rồi xếp thành hàng để nhận hoa, tới khi gọi tên một người nhặt ve chai thì chị này nhất quyết không lên vì… không mang theo áo dài.
“Chị ấy bối rối và ngại ngùng, dù được mời lên”, bà Thùy Anh nói.
Tri ân đội ngũ chị em vất vả thầm lặng
TP Hội An là trung tâm du lịch. Không giống ở các nơi khác, rác thải ở TP Hội An gần như được thu gom triệt để nhằm bảo vệ an toàn cho ngành du lịch. Vì thế, những người làm nghề nhặt ve chai không chỉ làm công việc mưu sinh của họ mà chính là những người góp phần “bảo vệ môi trường”.
Việc tri ân, tôn vinh chị em với công việc đặc thù này cũng nhằm ghi nhận xứng đáng những đóng góp của họ với hình ảnh phố cổ.
Khi tôn vinh những người làm nghề ve chai, ban tổ chức đã nhận xét rằng những người làm nghề thu lượm ve chai đang đóng góp vào nỗ lực hạn chế chất thải rắn. Ve chai là “hình thức sơ khai của kinh tế tuần hoàn”.
Cụm từ “kinh tế tuần hoàn” vốn dành cho những công việc sang trọng, to lớn nhưng khi được tôn vinh khiến nhiều chị em phụ nữ làm nghề này bối rối.
Ở TP Hội An hiện nay có hàng trăm người, đa số là đi thu gom ve chai nhỏ lẻ. Số ít đại lý nhận thu mua từ đội ngũ này nhưng những người làm chủ cũng vốn từng là người đi nhặt từng lon bia, chai nhựa. Lâu dần họ phát triển cơ sở, đứng ra thu mua.
Bà Nguyễn Thị Tài, 65 tuổi, cho biết bà đã làm nghề thu lượm ve chai từ 40 năm qua. Công việc nặng nhọc, thân phận này giúp bà nuôi ba cô con gái khôn lớn, trong đó có người học đại học. Chồng bà đau yếu nên mất sức lao động nhiều năm qua.
Sau buổi nhận hoa và quà sáng 7-3, sáng 8-3 bà Tài vẫn bận bộ đồ áo dài tinh tươm, chân đi guốc, nét mặt tô nhẹ son phấn để tới dự buổi tọa đàm của các chuyên gia tại một khách sạn sang trọng sát phố cổ. Câu chuyện của bà chia sẻ đứng ở góc độ mưu sinh, thân phận và ít khi được ai quan tâm động viên khiến nhiều người có mặt mủi lòng.
“Làm cái nghề này cũng bất đắc dĩ, cũng vì cuộc sống mưu sinh để nuôi gia đình chứ chẳng ai muốn theo. Nghề lượm ve chai như chúng tôi cũng chẳng có ai “nối nghiệp” vì có ai lại ước mơ làm nghề đó bao giờ. Giờ tôi yếu rồi, nguồn thu mua chủ yếu từ khách sạn.
Mấy chục năm đi lượm nên khách sạn họ có số điện thoại. Khi họ gom được nhiều thì gọi mình tới lấy rồi bán cho đại lý, thu nhập cũng chỉ đủ sống qua ngày. Công việc nặng nhọc, đôi khi nghĩ cũng tủi thân. Bù lại được cái là tự do, làm thì làm mà mệt thì nghỉ”, bà Tài nói.
Nhiều hoàn cảnh khó khăn
Đa phần những phụ nữ làm nghề ve chai ở TP Hội An đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đau yếu, gia đình không trọn vẹn. Bà Phạm Thị Sâm ở khối Sơn Phong (TP Hội An) nói chồng bà đau yếu, người anh chồng lại tâm tính không bình thường nên bao năm gánh ve chai của bà thêm nặng trĩu để lo cho các thành viên.
Không chỉ bà Sâm, những người làm nghề như bà đều có tâm trạng chung. Khoảnh khắc được vinh danh trong ngày 8-3, họ được nhận những lời yêu thương, những cái nắm tay, những trao gửi và cả những cái ôm cảm ơn đầm ấm.
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thông qua Chương trình đối tác chiến lược IUCN – PRO Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hội An và Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ tuyên dương điển hình phụ nữ tiên tiến và phụ nữ thu mua ve chai tại TP Hội An vào sáng 8-3.
Đây là năm thứ hai IUCN phối hợp cùng các đối tác tổ chức lễ tuyên dương này.
Sự kiện được tổ chức với mục đích ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực như phát triển kinh tế, an sinh xã hội và đặc biệt là phụ nữ thu mua ve chai trên địa bàn TP và hưởng ứng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.
Cần đặt vai trò người thu lượm ve chai xứng đáng
Theo thống kê, trên toàn cầu hiện có khoảng 60% lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế nhờ vào 20 triệu lao động phi chính thức, đa số là những nhóm dễ tổn thương nhất và bị bỏ ngoài lề của xã hội.
Tại Việt Nam, khu vực phi chính thức, trong đó đến 90% thành phần là nữ giới, giúp thu gom hơn 30% các loại rác nhựa có thể tái chế, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức và xa hơn là tiềm năng giảm thiểu chi ngân sách công cho việc thu gom và xử lý chất thải.
Theo trưởng đại diện quốc gia của IUCN ở Việt Nam, ông Jake Brunner, thì nhóm lao động nhặt rác, chủ yếu là phụ nữ, vốn đang làm một công việc rất quan trọng là thu gom, vận chuyển và tiền xử lý các loại rác thải.
Vì vậy, theo ông Jake, nhóm này đóng vai trò chính yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Thách thức ở đây là cải thiện điều kiện việc làm và gắn kết họ với hệ thống quản lý chất thải rắn chính thức.
Điều này đòi hỏi cần phải thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn, mở rộng quy mô đầu tư công vào thu gom, xử lý chất thải và thực thi các quy định về chống xả rác”.