Không rực rỡ, không phô trương, trang phục truyền thống của người La Chí ở Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang mang vẻ đẹp giản dị của sắc chàm trầm mặc. Trong từng sợi bông, mũi chỉ mang hình bóng của mẹ, của bà, của từng thế hệ phụ nữ La Chí. Và lặng lẽ, bình yên, người La Chí mặc trang phục cổ truyền mỗi ngày, như những ký ức không lời mà đất và người đã cùng viết nên.
Bản Phùng với triền ruộng bậc thang trải dài như những dải lụa, quấn quýt lấy mây trời. Giữa cái mênh mông đó, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ La Chí trong trang phục truyền thống. Người La Chí không đợi lễ hội mới mặc đồ truyền thống, họ mặc nó hàng ngày, lên nương, xuống chợ, làm đồng.
Để làm nên một bộ trang phục truyền thống, phải trải qua 13 công đoạn thủ công với những dụng cụ thô sơ.
Cái giản dị thoạt nhìn ở bộ trang phục truyền thống của người La Chí hóa ra lại được tạo nên qua một quá trình thủ công kéo dài cả mùa vụ. Tất cả công đoạn đều “tự cung tự cấp”, người La Chí không chỉ dệt quần áo cho nhau mà còn dệt cả tình đoàn kết.
Trên mảnh đất được lựa chọn kỹ lưỡng, cây bông được gieo trồng vào tháng 2, nếu trời đất thuận hòa, sau 6 tháng, bông sẽ nở thành những múi tròn, báo hiệu mùa thu hoạch. Cả thôn như sống trong một nhịp điệu đồng lòng, từng đôi tay nối tiếp nhau thu hoạch bông, phơi bông, chia sẻ công việc, đan xen nhịp nhàng như một bản hòa tấu.
Những người phụ nữ La Chí nhà gần nhau tụ lại thành từng nhóm nhỏ, cùng lúc, người cán bông, người bật bông, người kéo sợi, người dệt vải. Tiếng cười đan vào tiếng khung dệt cọt kẹt, hòa với cái mùi chàm của vải phơi thoang thoảng len vào từng cơn gió từ những triền núi xa.
Trang phục truyền thống của phụ nữ La Chí.
Từng tấm vải được đem nhuộm chàm, rồi phơi đi phơi lại nhiều lần để màu chàm dần thấm vào vải một sắc tối đậm đà. Mùi chàm ấy như một dấu ấn đặc trưng của mùa bật bông dệt vải, lan tỏa khắp không gian, nhuốm đầy bầu trời. Đến lúc thêu thùa, bên bếp lửa hồng giữa gian nhà sàn, các chị em lại quây quần bên nhau, tay thoăn thoắt, mắt ngắm nghía từng đường chỉ, từng hoa văn giản dị mà đậm tình như nối lòng nhau qua những sợi mỏng manh mà bền chặt. Có người thầm thì chỉ nhau cách làm, cách phối màu, mẫu hoa hình bông bốn cánh hay những đường viền mảnh mai, người khác lắng nghe chăm chú, từng lời chậm rãi mà sâu sắc. Bởi, đối với người La Chí, thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của phụ nữ.
Khoác lên mình những bộ đồ do chính tay mình làm ra, như một cách khẳng định rằng văn hóa không chỉ để cất giữ, mà là để nó sống cùng với thời đại. Khi xã hội đổi mới, nhiều người tìm đến những bộ đồ may sẵn, nhưng người La Chí vẫn chọn tự tay làm nên áo quần, tự tay giữ gìn bản sắc.
Những người phụ nữ La Chí lặng lẽ mà kiên cường, không chỉ là người giữ gìn nếp nhà, mà còn là những người kể chuyện bằng bàn tay, bằng trái tim. Qua từng sợi bông, mũi chỉ, họ kể về một dân tộc nhỏ bé giữa núi cao nhưng không bao giờ để mất đi cái hồn, cái chất của mình.
Khánh Linh (Báo Hà Giang)
Nguồn: https://baophutho.vn/cau-chuyen-tu-soi-bong-nguoi-la-chi-227894.htm
Bình luận (0)