Đó là những chia sẻ của các chuyên gia, đạo diễn trong buổi trò chuyện điện ảnh “Mang phim đi Liên hoan: Tại sao? Thế nào?” được tổ chức vào ngày 25/9.
Đánh giá về sự phát triển điện ảnh Việt trong những năm gần đây, Giám đốc Liên hoan phim châu Á tại Rome, Giám tuyển Liên hoan phim Ý vừa tổ chức ở Hà Nội Antonio Termenini cho biết: “Với tư cách là giám tuyển của Liên hoan phim châu Á tại Rome, trong 10 năm gần đây, tôi đã có dịp xem rất nhiều bộ phim Việt Nam và phải khẳng định rằng, những bộ phim của Việt Nam rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng, điện ảnh Việt Nam trong 2-3 năm gần đây, các bộ phim đang có xu hướng được đồng sản xuất cùng với các nước khác trong khu vực. Đối với tôi đây là một cách làm rất đột phá, bởi, ở đó sẽ có sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, giữa các yếu tố xã hội khác nhau trong từng quốc gia, từ đó, tạo nên sự mới mẻ cho các bộ phim. Có thể kể đến như bộ phim “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh kết hợp với một nhà sản xuất người Singapore, sự kết hợp này cũng đã đem lại sự thành công rất lớn cho bộ phim khi đã đoạt được giải tại Liên hoan phim Venice”.
“Qua đó, có thể thấy, Việt Nam đã rất thành công với mô hình đồng sản xuất phim này và điện ảnh Việt cũng đang là một “điểm sáng” khi có rất nhiều bộ phim tuyệt vời được quốc tế đánh giá cao” – ông Antonio Termenini nhấn mạnh.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng nhận định: “Thời gian trước, chúng ta có những tên tuổi như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp… là những nhà làm phim độc lập gây tiếng vang lớn tại các liên hoan phim quốc tế, còn trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã xuất hiện rất nhiều nhà làm phim trẻ độc lập, họ đã tạo ra một “làn sóng mới” cho điện ảnh. Có thể kể đến một số các bộ phim của các đạo diễn trẻ đã thắng nhiều giải liên hoan phim mang tầm quốc tế như: “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm; “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh; “Cu li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân… Những bộ phim này đã giúp cho điện ảnh Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Dù biết đây chỉ khởi đầu nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực để phát triển điện ảnh Việt trong thời gian tới”.
Cũng theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: “Ở Việt Nam, khoảng hơn chục năm trước đây, mới chỉ có những giải thưởng, liên hoan phim trong nước như: giải thưởng Cánh diều Vàng, Bông sen Vàng… Đến năm 2010, Việt Nam mới tổ chức Liên hoan phim quốc tế đầu tiên là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, sau đó, đến năm 2023 là tổ chức Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng và đầu năm 2024 là tổ chức Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh. Nếu so với thế giới, Việt Nam tổ chức và phát triển liên hoan phim quốc tế rất chậm. Nhưng rõ ràng, trong xu thế điện ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, việc tổ chức các liên hoan phim quốc tế rất quan trọng, bởi đây là nơi để những nhà làm phim độc lập, nhà làm phim nghệ thuật có cơ hội phát triển, qua đó nâng vị thế cho các nhà làm phim. Đồng thời, tại các liên hoan phim quốc tế còn có nhiều workshop, các chương trình tài trợ cho các nhà làm phim, đây chính là cơ hội để các nhà làm phim trẻ tìm nguồn kinh phí cho các dự án phim của mình”.
“Và liên hoan phim không chỉ mang lại lợi ích cho các nhà làm phim, mà đây còn là dịp để công chúng có thể hiểu hơn về điện ảnh nước nhà cũng như thế giới. Bởi, nếu như bình thường khán giả chỉ quan tâm đến những bộ phim thương mại thì các liên hoan phim chính là cơ hội để công chúng được tiếp cận với những bộ phim của các nhà làm phim độc lập và được tham dự vào các buổi trò chuyện với các đạo diễn, nhà làm phim. Ở đó, họ sẽ được nghe về hành trình làm phim như thế nào, câu chuyện sau mỗi bộ phim ra sao, qua đó, giúp cho công chúng hiểu hơn về văn hóa, con người ở mỗi quốc gia sau những bộ phim họ xem” – nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nói.
Đồng quan điểm trên, ông Antonio Termenini chia sẻ: “Trong những năm gần đây, Việt Nam có thêm nhiều liên hoan phim mang tầm quốc tế là rất đáng để khích lệ, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia,… tầm quan trọng của liên hoan phim đang có dấu hiệu tụt giảm vì nhiều lý do. Vậy nên, sự ra đời của Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh hay Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng là một sân chơi rất quan trọng cho các nhà làm phim trong nước và khu vực”.
Dưới góc độ là nhà làm phim độc lập, biên kịch, đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt cho biết: “Những người làm phim như chúng tôi, điều quan trọng nhất khi làm xong một bộ phim là được chia sẻ bộ phim đó đến với khán giả. Vậy nên, việc mang phim đi tham gia liên hoan phim sẽ tạo cơ hội cho các nhà làm phim đưa những bộ phim của mình đến gần hơn với khán giả. Liên hoan phim cũng là sự kiện để tôn vinh những sản phẩm của các nhà làm phim và là nơi hội tụ rất nhiều nhà làm phim trên thế giới đến tham dự. Vì vậy, khi tham gia liên hoan phim, chúng tôi sẽ được kết nối, giao lưu với nhiều nhà làm phim khác để trao đổi kinh nghiệm, cũng như học hỏi cách làm phim của họ để phát triển bản thân mình. Bên cạnh đó, liên hoan phim cũng là nơi để các nhà làm phim tìm kiếm những nhà phát hành phim để trao đổi, từ đó, có thể thu lại lợi nhuận, tái đầu tư cho các dự án tiếp theo của mình”.
“Chính vì thế, có thể khẳng định, khi tham gia các liên hoan phim sẽ là “bước đệm” tốt cho các nhà làm phim phát triển sự nghiệp trong tương lai” – nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt chia sẻ thêm.
Còn theo đạo diễn Hà Lệ Diễm: “Việc tham dự các liên hoan phim, đặc biệt các liên hoan phim danh giá là một điều không hề dễ dàng với các nhà làm phim độc lập, bởi họ có những yêu cầu rất khắt khe. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, các nhà làm phim, đặc biệt các nhà làm phim trẻ không nên nản lòng khi bị từ chối mà hãy niềm tin vào khả năng và công việc mình đang làm để tiếp tục sáng tạo làm ra những bộ phim hấp dẫn hơn để mang đi tham dự các liên hoan phim trong nước và thế giới”./.
Nguồn: https://toquoc.vn/tham-gia-lien-hoan-phim-buoc-dem-tot-cho-cac-nha-lam-phim-phat-trien-20240925210055886.htm