SGGPO
Tại cuộc họp báo của Bộ Công an chiều 2-10, thông tin thêm về vụ án Vạn Thịnh Phát, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), cho biết, mới đây, cơ quan điều tra đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, đến nay, kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm có liên quan tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu. Từ các hành vi gian dối này, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Lãnh đạo C03 cho rằng, do số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn nên C03 đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin tại họp báo. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Hiện, C03 đã có ủy thác cho cơ quan cảnh sát điều tra công an các địa phương, đề nghị các nhà đầu tư có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát sớm đến làm việc để cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Như Báo SGGP đã thông tin, đầu tháng 10-2022, C03 đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan. Cùng với đó, C03 khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về hành vi lừa đảo.
Đến tháng 3-2023, C03 đã khởi tố 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành thuộc Đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Trong đó có Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) về hành vi lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ. Bà Nhàn là trưởng đoàn thanh tra vụ án Vạn Thịnh Phát và đã cùng các thành viên trong đoàn thanh tra báo cáo không đúng sự thật, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước không giám sát, kiểm sát ngân hàng SCB kịp thời.
Ngày 30-9, C03 phát đi thông tin tìm bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại TPHCM, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật khi tạo lập 25 gói trái phiếu với các mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.000 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án và đã ủy thác điều tra đến cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.