Môi giới “thả mồi câu” để “lùa” khách
Thị trường bất động sản đang bước vào những ngày cuối cùng của năm. Tín hiệu phục hồi ở một số phân khúc như nhà đất, căn hộ chung cư ngày càng rõ rệt hơn.
Tuy nhiên, giai đoạn này, thị trường xuất hiện trở lại không ít chiêu trò của đối tượng là “cò đất”, môi giới nhà đất không chuyên. Tình trạng này gây nhiễu loạn thị trường và tạo ra rủi ro, phiền phức cho người mua.
Anh Trần Nguyên Đức ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) thừa nhận, anh là “nạn nhân” của các thông tin rao bán nhà đất ảo. Anh kể, từ tháng 10, anh đã đi tìm mua nhà, nhưng đến nay vẫn chưa thể mua được vì thông tin, giá bán nhiễu loạn.
Một căn liền kề trong khu đô thị tại khu vực An Khánh nhưng được rao bán trên nhiều kênh mua bán nhà đất, mạng xã hội với các mức giá khác nhau. Khi gặp môi giới, thì họ lại dẫn tôi tới một căn liền kề khác, với các thông tin không trùng khớp so với căn đang được rao bán”, anh Đức bức xúc và khẳng định, thật khó để xác định được đâu là thông tin rao bán thật, rao bán giả.
Điều đáng nói, khi anh đã ưng vị trí và cần đàm phán giá với chủ nhà thì môi giới lại lấy lý do không thực hiện. Sau đó, môi giới lại thay chủ nhà thông báo tăng giá bán.
“Lúc đầu căn nhà tôi định mua có giá rao bán 7 tỷ đồng, nhưng khi đặt vấn đề đàm phán giá, môi giới lại báo chủ nhà tăng lên 7,2 tỷ mới bán. Tôi đồng ý giá tăng lên, họ lại “đòi” 7,5 tỷ đồng”, anh Đức chia sẻ.
Cũng theo anh Đức, để “hợp thức” cho việc tăng giá bán này, họ cũng liên tục đẩy các thông tin rao bán cùng nội dung trước đó, nhưng khác giá bán. “Họ chứng minh việc tăng giá bằng các thông tin rao bán mới. Nhưng tôi nhận định, đây là chiêu trò của một nhóm môi giới, nhằm “ăn” giá chênh cao”, anh Đức nói.
Tương tự như anh Đức, suýt chút nữa anh Hoàng Văn Tùng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) trở thành nạn nhân của thông tin rao bán ảo của môi giới. Khi tìm mua đất nền ở huyện Thanh Trì, anh Tùng bị lạc vào “ma trận” thông tin rao bán của môi giới.
“Theo thông tin rao bán, thì lô đất ở xã Ngũ Hiệp có diện tích 85m2, nhưng khi đến nơi xem thì lô đất có quyền sử dụng riêng là 35m2, còn 50m2 là diện tích của lối đi chung cho cả 4 lô đất còn lại”, anh Tùng nói.
Trước đó, theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III, thị trường chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các “dự án ma”. Diễn biến trên tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà đầu tư “tay ngang”, thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản.
VARS nhấn mạnh, cần cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản.
Khó kiểm chứng uy tín của môi giới
Chia sẻ với phóng viên Dân trí – một môi giới nhà đất chuyên nghiệp ở Hà Nội thừa nhận – có việc đăng tải thông tin ảo để tìm kiếm khách hàng thật. Chiêu trò này thường được nhiều môi giới không chuyên, “ăn xổi” thực hiện.
“Một môi giới chuyên nghiệp, có tâm thường đã có một tệp khách hàng khá dày. Tuy nhiên, môi giới mới, hoặc bộ phận “cò đất” họ phải đăng thông tin ảo để tìm kiếm khách hàng thực”, người này chia sẻ.
Cũng theo môi giới này, chiêu trò trên thị trường chủ yếu và dễ nhận biết nhất là đăng nhiều thông tin hấp dẫn nhưng không thực hoặc dẫn dắt khách hàng tới sản phẩm bất động sản không đúng nội dung đăng tải…
“Để bán một lô đất, môi giới lại đi đăng nhiều thông tin lô đất khác trong khu vực với giá bán khác nhau. Có thể là cao hơn giá bán thực để đánh lạc hướng người mua tìm hiểu, hoặc để giá thấp hơn, để tìm khách hàng có nhu cầu”, môi giới dẫn chứng.
Còn theo ông Trần Đức Khang – Giám đốc Kinh doanh Vùng 2 của OneHousing, trên thị trường đang có những môi giới dùng chiêu “thả mồi câu”. Kịch bản thông thường hay thấy, họ đăng bán căn nhà đẹp, vị trí tốt, giá rẻ không tưởng để thu hút sự quan tâm của khách mua. Khi khách hàng tương tác, họ sẽ đưa từ căn A, sang căn B rồi căn C…
“Một căn nhà 4 tỷ đồng nhưng môi giới đăng tin 3 tỷ đồng thì chắc chắn có khách liên hệ. Môi giới báo căn nhà đó không còn nữa và giới thiệu khách sang căn khác giá cao hơn hoặc không đẹp bằng”, ông Khang lấy ví dụ.
Theo ông Khang, những ai mua nhà chuyển nhượng khi gặp tình huống này sẽ rất mệt mỏi và bị “vỡ mộng” với sự rê dắt của môi giới, nhưng họ cũng không có nhiều lựa chọn khi không có cách nào để kiểm tra về uy tín cũng như sự trung thực của người môi giới.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia của một nền tảng đăng tin mua bán bất động sản trực tuyến cho biết, không một nền tảng nào có thể khẳng định 100% tin đăng là tin thật, sẽ có một số lượng tin ảo tồn tại.
Chủ tin đăng có nhiều lý do để đăng tin không có thực như lấy dữ liệu khách hàng để bán bất động sản khác, đăng giá cao hơn giá trị thật để mong đẩy giá hoặc đăng giá thấp hơn để phục vụ mục đích khác.
Theo đó, chuyên gia này khuyến nghị, người mua nhà cần cân nhắc tới các tin đăng quá tốt về giá và luôn luôn so sánh với giá trung bình của thị trường. Để đảm bảo an toàn, người dùng tuyệt đối không chuyển khoản, đặt cọc trước khi xác thực thông tin.
Về hướng xử lý, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) – đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin sai sự thật với mục đích chiêu dụ khách hàng mua đất ở một khu vực khác hoặc lừa đảo. Pháp luật đã quy định rõ nếu ai thông tin sai sự thật, phát sinh hậu quả thì phải bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ông Châu nhấn mạnh, riêng các website đăng tin mua bán cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin đăng trên website của mình. Nhà nước cần có quy định nếu đơn vị đăng thông tin sai cần xử lý, xử phạt, thậm chí đóng trang website đó.