Tin mới y tế ngày 11/7: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về dịch bạch hầu
Bộ Y tế chỉ đạo tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về dịch bạch hầu
Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có Công văn khẩn số 1105/KCB-NV về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và đã ghi nhận ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở y tế tư nhân) nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.
Ngoài ra, các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; đồng thời, triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.
Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh. Đồng thời, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt.
Bên cạnh đó, triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Đồng thời, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.
Trước đó, qua phân tích mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B (sinh năm 2006, quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), chiều 10/7, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xác định, có thêm một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu.
Ca bệnh này là B.H.G (sinh năm 1995), tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).
B.H.G là một trong 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B. Từ ngày 25 đến 28/6, M.T.B ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) với cô gái 18 tuổi tử vong do bạch hầu.
Tập trung mọi nguồn lực chống dịch tả lợn châu Phi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 cho đến nay, cả nước đã xảy ra 632 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 40.500 con lợn, tăng 3,25 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… Dịch bệnh cũng đã xảy ra tại 8 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 58 ngày 6/7, Bộ đã tổ chức Đoàn công tác đến tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh.
Mặc dù Bắc Giang đã chủ động, bước đầu kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh dịch tiếp tục xảy ra, lây lan diện rộng và xâm nhiễm từ các tỉnh khác vào địa bàn rất cao.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và trực tiếp chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm cơ sở chăn nuôi áp dụng thuận lợi các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức thống kê chính xác tổng đàn lợn, đồng thời rà soát, thống kê chính xác số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Trên cơ sở đó, khẩn trương phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí mua vắc-xin tập trung cấp tỉnh để cấp phát cho các huyện, xã và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm cho toàn bộ lợn thịt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng đã nêu rất rõ tại các công điện về việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc của Bộ.
Khi có dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, cần thực hiện việc công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài.
Yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức giám sát chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác số liệu tình hình dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, quản lý cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh và thực hiện nghiêm công tác báo cáo trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam – VAHIS.
Tổ chức xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bao gồm cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu tiêm vắc-xin và lợi ích của việc tiêm vắc-xin, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vaccine, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-117-bo-y-te-chi-dao-khan-ve-dich-bach-hau-d219741.html