Đến nay, 16 tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, góp phần nâng cao năng lực kiểm soát thông tin xấu độc
Bộ TT&TT đã thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý các thông tin xấu độc, quảng cáo vi phạm trên các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok. Trong các trường hợp xác định được danh tính đối tượng, Bộ đã áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính; còn với các đối tượng không rõ danh tính, Bộ yêu cầu gỡ bỏ đường link vi phạm và chặn tên miền.
Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok đã được yêu cầu sử dụng công nghệ AI để phát hiện và gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Kết quả: Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube, bao gồm 6.007 video và 36 kênh vi phạm (đăng tải hơn 39.000 video) (tỷ lệ 91%); TikTok: chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, bao gồm 677 video và 294 tài khoản (đăng tải hơn 94.000 video) (tỷ lệ 93%).
Bộ đã chỉ đạo các Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, truy vết và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý các nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng ảnh hưởng để quảng cáo sai sự thật.
Bộ đã đề xuất thành lập mạng lưới xử lý tin giả trên toàn quốc, kết nối các địa phương với Trung tâm Xử lý tin giả Quốc gia. Đến nay, 16 tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, góp phần nâng cao năng lực kiểm soát thông tin xấu độc.
Bộ đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, giúp người dân có nhận thức và sức đề kháng trước các thông tin sai lệch trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệ, trong đó có việc nâng cấp các trung tâm giám sát không gian mạng. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát không gian mạng Quốc gia và Trung tâm Xử lý tin giả. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng trung tâm xử lý tin giả để hình thành mạng lưới liên kết toàn quốc.
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để quản lý thông tin trên mạng xã hội theo nguyên tắc “ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng”.
Bộ sẽ tiếp tục cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đặc biệt trong các vấn đề dư luận quan tâm, để định hướng dư luận một cách tích cực và hiệu quả.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình xử lý thông tin xấu độc vẫn gặp không ít khó khăn. Các nền tảng mạng xã hội lớn thường không đặt trụ sở tại Việt Nam, gây khó khăn trong việc thực thi các biện pháp quản lý. Sự phát triển không ngừng của công nghệ khiến các hành vi phát tán thông tin sai lệch ngày càng khó phát hiện và xử lý.
Với sự kiên trì và quyết tâm, Bộ TT&TT đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ động trong việc quản lý không gian mạng, bảo vệ người dân trước các tác động tiêu cực của thông tin xấu độc. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ mà còn cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể cộng đồng để xây dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn và bền vững./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/bo-tttt-no-luc-trien-khai-cac-bien-phap-han-che-tac-dong-tieu-cuc-cua-thong-tin-xau-doc-tren-internet-197241225055748438.htm