Ngày 1/4, tại TP Hạ Long, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, thời gian qua Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển ngành thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển. Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, ở Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 HTX được thành lập trong vòng 2 năm.

Có những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Thời gian gần đây, cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển chứng tỏ biển Quảng Ninh ngày càng sạch hơn, đẹp hơn.

Le Minh Hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu về biển nếu có một hệ sinh thái sạch. Nhìn từ Quảng Ninh, trong vòng 2 năm đã thay được gần 10 triệu chiếc phao xốp, điều đó nói lên rằng không gì là không thể nếu có sự quyết tâm.

“Khai thác tận diệt là nỗi đau của kinh tế biển, nuôi biển không chỉ là nuôi tôm, cá, hải sản mà còn nuôi sinh thái biển. Nuôi biển để giải quyết một nỗi đau của đại dương đó là tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng cạn kiệt. Nuôi biển phải là bài toán kinh tế đem lại sinh kế, thu nhập cho bà con ngư dân, doanh nghiệp và sự tăng trưởng cho các địa phương. Đồng thời, phải nuôi đại dương, sinh thái, đa dạng sinh học và trả lại cho biển những gì đã khai thác quá mức để thế hệ mai sau còn có tài nguyên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu sau hội nghị, Bộ NN-PTNT tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc làm cho tiến độ triển khai nuôi biển đang chậm, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân. 

Đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác. Quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế về kinh tế biển, khoa học công nghệ nuôi biển.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, với tiềm năng, lợi thế về biển, Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. 

W-z5302606313192-bcbe2fbf98aacc7c4e3504244ad0d81d-1.jpg
5 triệu con giống thuỷ sản được thả xuống biển ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. 

Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại.

Trong ngày hôm qua (31/3), Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả hơn 5 triệu con giống thủy sản xuống vùng biển huyện Vân Đồn.

Trong số hơn 5 triệu con giống thủy sản được thả về tự nhiên đợt này có 4,9 triệu con giống tôm sú, số còn lại là giống cá vược, cá chẽm và cá hồng Mỹ cùng một số loại thủy sản khác.