Doanh nghiệp đầu tư vào nguồn vốn thiên nhiên (Creating a Nature-Positive Economy - Tạo lập nền kinh tế tự nhiên tích cực) là một xu thế toàn cầu mà Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đang hướng đến. Trong đó, nuôi biển kết hợp với phát triển du lịch sẽ khai thác hiệu quả hơn giá trị di sản, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng để phát triển nuôi biển tự nhiên, không khu vực nào thuận lợi bằng các khu bảo tồn biển và các vùng di sản thiên nhiên - mà tỉnh có điều kiện thuận lợi so với nhiều địa phương khác. Quảng Ninh có 4 khu vực có giá trị tài sản thiên nhiên lớn: Đó là vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long có diện tích 434km2, gồm 775 đảo với nhiều hang động và bãi tắm đẹp, với cảnh quan đá vôi đặc trưng, hệ sinh thái biển và hệ sinh thái trên đảo đá vôi; thứ hai là Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích hơn 15.000ha, gồm vùng nước và các đảo: Ba Mùn, Trà Ngọ Lớn, Trà Ngọ Nhỏ, Sậu Nam, Sậu Đông, Đông Ma, Máng Hà Nam, Máng Hà Bắc, Di To, Chầy Chầy, Đá Nhẩy và hơn 20 đảo nhỏ, cù lao, hòn nổi khác; thứ ba là khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; thứ tư là khu đất ngập nước vùng cửa sông Tiên Yên rộng gần 5.200ha trải dài trên cả 3 huyện Tiên Yên, Đầm Hà và Hải Hà.
Dù cho các khu vực di sản cần bảo vệ nghiêm ngặt không đồng nghĩa với việc biến các tài nguyên thiên nhiên sống động có giá trị lớn lao của những khu vực ấy trở thành những “bảo tàng chết”, “di vật đông cứng trong tủ kính”, chỉ để du khách đến nhìn, tham quan theo nguyên tắc “cấm sờ vào hiện vật”, mà cần một tiếp cận quản lý khác hẳn, bảo tồn đồng thời với phát triển. Các vùng di sản và các khu bảo tồn biển phải được xác định là những không gian tối ưu để phát triển các hoạt động nuôi biển tự nhiên và nuôi biển thương mại có kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giúp ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ chuyển sang nuôi biển, tham gia phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đánh giá cao tư duy đột phá của UBND tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng Dự án nuôi thủy sản tập trung trên vùng đệm Vịnh Hạ Long, nhằm phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phát huy giá trị của Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nuôi biển bền vững, tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân địa phương trên cơ sở công nghệ nuôi hiện đại và kinh nghiệm truyền thống. Dự án còn tạo những sản phẩm du lịch mới, phát triển của du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, du lịch trải nghiệm, nhằm nâng cao vị thế di sản thiên nhiên thế giới của Vịnh Hạ Long, giúp đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường, tạo ấn tượng về một TP Hạ Long xanh, sạch, đẹp.
Vị trí Dự án với quy mô 260ha nằm tại vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, được chia thành 2 khu vực: Khu vực 1, diện tích 210ha, Đông giáp tuyến luồng Tuần Châu - đảo Cát Bà, Tây giáp với khu vực ranh giới xã Hoàng Tân, Nam giáp luồng Ba Mom, Bắc giáp đảo Tuần Châu. Và khu vực 2, diện tích 50ha, Đông giáp hòn Vụng Ba Cửa, Tây giáp hòn Bồ Hung, Nam giáp hòn Trà Hương và luồng Lạch Ngăn, Bắc giáp luồng Ba Mom.
Để phát triển nuôi biển kết hợp trong các vùng di sản và khu bảo tồn, cần quy hoạch không gian biển và thiết kế chi tiết cho từng hợp phần hoạt động, gắn với các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định chế tài quản lý chặt chẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí kinh tế, xã hội, môi trường. Thời gian tới, Quảng Ninh tăng cường đón các đoàn khách du lịch tàu biển quốc tế; có kế hoạch tổ chức hơn 170 chương trình, sự kiện quảng bá du lịch; hướng đến việc khai thác tổng hợp, hợp lý, bổ sung các dịch vụ, hành trình tham quan Vịnh Bái Tử Long.
Trên diện tích 61,25km2, khu vực biển thủy sinh có diện tích 96,58km2, với trên 630 hòn đảo, Vịnh Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN đầu tiên và duy nhất của Quảng Ninh cho đến nay, sở hữu hệ sinh thái phong phú với 1.220 loài sinh vật biển, trong đó, nhiều loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới, với nhiều trầm tích văn hóa, giá trị du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.
Thực tế, dù nằm ở vị trí giao thông thuận lợi vì có cao tốc, sân bay, đường thủy lại kề với Vịnh Hạ Long nhưng Vịnh Bái Tử Long lại rất ít được khai thác du lịch. Việc mở rộng không gian du lịch khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long chắc chắn sẽ là cơ hội mới để Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng “từ nâu sang xanh”. Doanh nghiệp có thể tham gia nuôi biển tự nhiên hoặc nuôi biển thương mại kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực phục hồi hệ sinh thái, vùng dịch vụ hành chính và vùng đệm của khu bảo tồn biển. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ là cánh tay nối dài để hỗ trợ thêm và bảo vệ khu vực cần được bảo tồn, tránh những hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép, vi phạm IUU.
Huỳnh Đăng
Nguồn
Bình luận (0)