Chuyển nguyên trạng 10 đơn vị sự nghiệp công lập
Chiều 26/6, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết biên bản bàn giao, tiếp nhận 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì buổi lễ.
Theo Quyết định số 996/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển nguyên trạng 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, bao gồm: Trường Cao đẳng xây dựng số 1; Trường Cao đẳng xây dựng TPHCM; Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị; Trường Cao đẳng xây dựng Nam Định; Trường Cao đẳng nghề Việt – Xô số 1; Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế LILAMA 2; Trường Cao đẳng cơ giới xây dựng; Trường Cao đẳng nghề xây dựng; Trường Cao đẳng kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội; Trường trung cấp nghề Cơ khí xây dựng.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, 10 trường được bàn giao đều là những đơn vị có bề dày phát triển, thời gian gắn bó lâu dài với Bộ Xây dựng.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai về việc chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng về Bộ LĐ-TB&XH quản lý.
Để công tác chuyển giao thuận lợi, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Khoa học công nghệ và môi trường rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quản lý tài chính của các đơn vị chuyển giao.
Qua đó, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, nỗ lực triển khai hoạt động bàn giao, tiếp nhận, đảm bảo quá trình hoạt động của các đơn vị không bị gián đoạn.
Trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, giải quyết.
Sau khi được bàn giao về Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tin tưởng, các đơn vị sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành xây dựng nói riêng, đất nước nói chung.
Tiến tới xây dựng các mô hình trường điểm
Đáp lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã được củng cố, kiện toàn. Song, có giai đoạn đơn vị trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó có thời gian trực thuộc cả Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến năm 2017, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thể hiện trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Bộ luật Lao động năm 2019.
Thông tin tại lễ bàn giao, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, Bộ có 64 đơn vị, trong đó có 21 đơn vị quản lý nhà nước, giúp việc trực tiếp cho Bộ trưởng và trên 40 đơn vị sự nghiệp. Tổng số công chức, viên chức, người lao động trên 4.000 người.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tin chắc rằng Bộ Xây dựng vẫn sẽ quan tâm đến 10 trường này, bởi đây là cơ sở đào tạo nhân lực chính cho ngành xây dựng.
“Bàn giao hôm nay là bàn giao nguyên trạng, bàn giao về chủ quản. Còn lại, tất cả các trường vẫn giữ nguyên toàn bộ, chịu trách nhiệm trực tiếp về mọi mặt tổ chức, tài chính, con người”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến chủ trương tiếp nhận 99 trường ở các bộ ngành, trừ một số trường có tính chất chuyên sâu, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ tiếp nhận 10 trường của Bộ Xây dựng và 3 trường của quân đội, tiến tới xây dựng các mô hình trường điểm.
Với 1.982 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ sẽ phấn đấu khoảng 45% là trường tư thục, còn lại công lập chiếm phần nhỏ.
“Hướng tới, mỗi tỉnh chỉ có 1 trường cao đẳng với nội dung dạy đa nghành, đa lĩnh vực, đa chương trình và trong trường cao đẳng có cả hệ trung cấp và hệ sơ cấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Đối với 10 trường cao đẳng, trung cấp chuyển về trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các trường phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông trong thời gian tới. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sẵn sàng “phục vụ” các trường để các trường hoạt động tốt hơn.
Để làm tốt điều này, từ nay đến hết tháng 7, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với từng trường để hoàn thiện hồ sơ thủ tục bàn giao, tiếp nhận.
Trong tháng 8, Bộ trưởng sẽ trực tiếp làm việc riêng với từng trường để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Bộ trưởng cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các trường hoạt động theo đúng tinh thần Chỉ thị 21 của Ban Bí thư để giáo dục nghề nghiệp phải thực học, thực hành, thực nghiệm.
Bộ trưởng mong muốn 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng chuyển về sẽ năng động, đổi mới và hoạt động hiệu quả hơn.
Đại diện Trường Cao đẳng xây dựng số 1 khẳng định, tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động các đơn vị chuyển giao luôn nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo, phân công của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Nhà trường luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhất vai trò, trách nhiệm được giao.
Bên cạnh đó, đại diện Trường Cao đẳng xây dựng số 1 mong muốn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ LĐ-TB&XH về mặt tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính để đảm bảo các đơn vị ổn định và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/bo-truong-ld-tbxh-nhac-3-chu-thuc-trong-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-20240626214801458.htm