(Dân trí) – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam chia sẻ với người đồng cấp Lào nhiều kinh nghiệm vận hành thị trường lao động quy mô lớn, chính sách an sinh toàn diện và giải pháp cải cách tiền lương…
Ngày 5/12, Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Việt Nam – Lào lần thứ VIII diễn ra tại cố đô Luang Prabang của Lào. Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đồng chủ trì hội nghị.
Bộ hành động, tạo uy tín xã hội
Sau phiên khai mạc, chào mừng, hai Bộ trưởng Lao động Việt – Lào bước vào hội nghị song phương.
Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung thông tin về tình hình lao động, việc làm và an sinh xã hội trong nước. Theo ông, trong tình hình khó khăn chung, Việt Nam kiên định vận hành 5 loại thị trường, trong đó có thị trường lao động.
Với quyết tâm, nỗ lực đó, đáng mừng là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giữ được ở mức tương đối tốt, lạm phát được khống chế, đồng tiền giữ được giá trị, an ninh lương thực được đảm bảo khi trong khu vực cũng như thế giới có nhiều biến động, căng thẳng.
Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Lao động và phúc lợi xã hội (Ảnh: Thái Anh).
Những con số đáng mừng khác được nêu như tỷ lệ thất nghiệp được khống chế ở mức 2,3%. Thực tế, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đời sống của người dân cũng cơ bản được đảm bảo. Tính đến quý 3 năm nay, thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng.
Về lĩnh vực xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng mới đây đã ban hành nghị quyết mới về chính sách xã hội, đánh dấu bước chuyển quan trọng, từ tư duy lo hỗ trợ xã hội sang hoàn thiện hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển. Trọng tâm của chủ trương này là tạo việc làm bền vững và sinh kế cho người dân, đảm bảo để mỗi người đều được hưởng phúc lợi xã hội với khả năng tiếp cận những dịch vụ xã hội căn bản như giáo dục, y tế, nước sạch, môi trường…
Chủ trương chung cũng nhắm đến mục tiêu đột phá về nhà ở. Việt Nam có chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Mục tiêu khác, đến năm 2030 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, tiến tới xóa nghèo cho các huyện nghèo.
Về chiến lược đào tạo, Việt Nam đã sắp xếp lại toàn bộ hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu lao động đang thể hiện tính tích cực. Việt Nam đang sử dụng khoảng 100.000 lao động nước ngoài nhưng chỉ nằm ở 3 nhóm đối tượng là nhà quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia cấp cao. Do quy mô dân số lớn, tới 100 triệu người, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực.
Hoạt động khác được đẩy mạnh là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm ngoái, ngành lao động lập kỷ lục, đưa được 120.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đến năm nay, kết quả còn tốt hơn. Tính đến thời điểm này của năm, ngành đã đưa được 130.000 lao động xuất cảnh, trong đó tập trung ở những thị trường chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Xu hướng đề ra là đào tạo lao động chất lượng cao để đưa đi làm việc ở nước ngoài, mở thêm những thị trường tiềm năng, giá trị cao như Đức, Úc, Hungari…
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị (Ảnh: Thái Anh).
Trong nước, ngành cũng xây dựng chiến lược đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn, chip, hydrogen để phục vụ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.
Bộ trưởng Lao động Việt Nam cũng trao đổi lại câu chuyện với Thủ tướng Lào hôm qua, về định hướng xây dựng thị trường lao động hiện đại, bền vững và thích ứng linh hoạt. Đây là tiền đề, yếu tố quyết định để lo các vấn đề an sinh xã hội.
Bộ trưởng dẫn chứng, đợt dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực tới hàng chục triệu người lao động, người dân, Việt Nam đã chi 120.000 tỷ đồng tiền mặt để hỗ trợ 68 triệu người. Do những nền tảng hệ thống, quản lý hiện đại mà việc giải ngân số tiền lớn như vậy rất nhanh, hiệu quả, gần như không để xảy ra tiêu cực.
Cũng từ nỗ lực chính thức hóa thị trường lao động mà Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ BHXH ở mức 38%. Quỹ BHXH có kết dư bền vững, có thể sử dụng phục vụ đầu tư các công trình quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam phấn đấu đến năm 2035 nâng độ phủ BHXH lên 65% và sớm tiến tới BHXH toàn dân. Những mục tiêu được xác định là khả thi, tương tự tiến trình phủ BHYT tới 99% dân số đạt được thời gian qua.
“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng đang đốc thúc quá trình sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực lao động, xã hội. Có thể nói, đến thời điểm này, chúng tôi đã được đánh giá, ghi nhận là một Bộ hành động, có uy tín, tạo tác động xã hội tích cực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát.
Cải cách toàn diện hệ thống tiền lương
Trao đổi lại về tình hình của phía Lào, nữ Bộ trưởng chúc mừng những thành tựu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đã đạt được. Trong đó, sự lãnh đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giúp nâng cao vị thế của ngành.
Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiy thông tin, đất nước của bà hiện phải đối mặt với khó khăn về kinh tế và tài chính. Tuy vậy, Lào có thể khép lại năm 2023 với mức tăng trưởng GDP khả quan, khoảng 4,8%. Thu nhập bình quân đầu người đến thời điểm này đạt hơn 1.400USD.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam chia sẻ với người đồng cấp Lào nhiều kinh nghiệm vận hành thị trường lao động, chính sách an sinh toàn diện (Ảnh: Thái Anh).
Ngoài ra, Lào cũng thu hút được khá nhiều đầu tư của nước ngoài, trong đó Việt Nam là nhà đầu tư đứng thứ 3 rót vốn vào Lào.
Về quy mô thị trường lao động, trên tổng số 7,4 triệu dân, Lào có 2,7 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp hơn 2%, tương đương con số của Việt Nam. Lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội cũng giúp đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Lào.
Bộ trưởng cũng cho biết, Lào đang tập trung đánh giá lại hệ thống pháp luật về lĩnh vực này để đổi mới với mục tiêu xây dựng và quản lý được thị trường lao động. Các luật về hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp cũng đang được đốc thúc xây dựng.
Chiến lược xuất khẩu lao động, Lào đã ký kết với Thái Lan, Nhật Bản để cung ứng nguồn nhân lực cho các nước này. Ngoài ra, Chính phủ cũng cố gắng tạo việc làm ổn định trong nước cho người dân.
So sánh về hệ thống an sinh xã hội, nữ Bộ trưởng thừa nhận những con số đạt được của Lào thấp hơn hẳn Việt Nam. BHYT Lào mới đạt độ phủ khoảng 12% dân số.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiy (Ảnh: Thái Anh).
“Tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp như vậy nên Quỹ BHYT của chúng tôi còn rất yếu ớt. Quỹ đã yếu mà việc quản lý cũng chưa được minh bạch, rõ ràng. Để nỗ lực cải thiện, Lào phải cố gắng rất nhiều, học hỏi những kinh nghiệm từ việt Nam”, Bộ trưởng Baykham Khattiy trao đổi.
Thảo luận thêm các vấn đề về giải pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội của cả hai nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về việc từ 1/7/2024, Việt Nam sẽ cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tăng lương hưu.
Bộ trưởng cho biết xu hướng cải cách lương khu vực DNNN, loại bỏ việc can thiệp của nhà nước vào vấn đề tiền lương của doanh nghiệp. Theo đó, người quản lý cũng được tính lương như với người lao động, theo nguyên tắc lương phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Việc điều chỉnh lương hưu cũng dẫn tới cải thiện chế độ đãi ngộ, trợ cấp xã hội với các đối tượng.
Hai Bộ trưởng hai nước ký biên bản Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Việt Nam – Lào lần thứ VIII (Ảnh: Thái Anh).
Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên lý, mọi chính sách xã hội chỉ có thể triển khai và có hiệu quả khi xây dựng được thị trường lao động. Thế giới hiện phổ biến 5 mô hình chính sách xã hội thì điều kiện vận hành đều phải dựa trên thị trường lao động ổn định.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam lấy 3 chữ “an” làm tiêu chí hành động, đó là “an sinh”, “an toàn”, “an dân”. Nếu có 3 chữ “an” này sẽ có an ninh xã hội, có môi trường tốt, con người tốt, từ đó tăng sức hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khép lại các nội dung thảo luận, lãnh đạo hai Bộ Lao động cùng xem xét và thông qua dự thảo biên bản Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Việt Nam – Lào lần thứ VIII. Lễ ký kết biên bản diễn ra ngay sau đó.
Dantri.com.vn