Trong sự kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ cán bộ, giảng viên, nhân viên khối giáo dục ĐH diễn ra chiều nay 15.8 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, một lần nữa câu hỏi ai là người đứng đầu trường ĐH lại được đặt ra. Người hỏi câu này là PGS Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Y Hà Nội.
PGS Minh cho biết, Trường ĐH Y Hà Nội hiện nay tự chủ ở mức 2. Trong quá trình thực hiện tự chủ, trường gặp một số vướng mắc, do nội dung Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH) chưa bao phủ hết các tình huống mà các trường ĐH gặp phải trong thực tế.
“Một ví dụ đơn giản thế này, ai là người đứng đầu trường ĐH? Chúng tôi thảo luận với nhau rất nhiều, có cả văn bản gửi Bộ Nội vụ, mà không ai trả lời chúng tôi, để chúng tôi xác định cụ thể. Vì có những cuộc họp, có những giấy tờ văn bản ghi là người đứng đầu”, PGS Minh nói.
Trước băn khoăn của PGS Minh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đúng là hiện nay Bộ Nội vụ chưa có văn bản chính thức trả lời câu hỏi này. Nhưng trong hội nghị tự chủ ĐH năm ngoái, ông cũng đã từng giải thích khá kỹ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Nếu nói về một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cá nhân đó không ai khác, người đứng đầu phải là hiệu trưởng. Khi cần gọi đến một trường ĐH để làm việc, người ta sẽ gọi cho hiệu trưởng, đó là điều đương nhiên. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, là người giữ con dấu và phụ trách tài khoản”.
Về vị trí của chủ tịch hội đồng trường, Bộ trưởng Kim Sơn giải thích: “Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, chủ tịch là một thành viên điều hành hội đồng. Quyền lực của hội đồng là quyền lực tập thể, chủ tịch là một phiếu trong cơ chế tập thể đó. Nhưng hội đồng là tổ chức có quyền lực cao nhất, quyết định chọn hiệu trưởng. Khi đã chọn ra rồi, được cơ quan cấp trên công nhận, thì lúc đó hiệu trưởng, xét về phương diện cá nhân, là chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật, về mọi hoạt động của nhà trường. Cách mà chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng ký văn bản là khác nhau. Hiệu trưởng ký là hiệu trưởng; chủ tịch hội đồng trường thì ký là thay mặt hội đồng trường”.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên thực tế, thời gian qua, kể từ khi hình thành thêm cơ chế hội đồng trường bên cạnh ban giám hiệu thì ở một số trường có hiện tượng hai bên “nhìn nhau”, thậm chí là có xung khắc, nếu không muốn dùng từ nặng nề hơn cả từ xung khắc.
Quan trọng là hội đồng và ban giám hiệu cần phải làm đúng vai. Mỗi bên một chức năng, một nhiệm vụ. Hội đồng giải quyết công việc bằng các nghị quyết. Tập thể hội đồng hoạt động định kỳ, xử lý công việc do ban giám hiệu trình lên. Vai trò hội đồng trường và ban giám hiệu tương tự như HĐND và UBND các cấp. Nếu hiểu điều đó rạch ròi thì ai làm việc người đó.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm: “Nói như vậy không có nghĩa là chủ tịch hội đồng trường có vai trò nhỏ. Chủ tịch hội đồng trường là người tổ chức hội đồng đưa ra các phán quyết, đưa ra các ý kiến lựa chọn cực kỳ quan trọng. Nhưng về mặt quyết định cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người nào cầm con dấu, người nào phụ trách tài khoản thì đó là người chịu trách nhiệm cao nhất trong một trường ĐH”.