Tham gia cùng đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ; Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương; lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc các Bộ: TN&MT, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương.
Ngay sau khi kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế tại hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đoàn công tác đã làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh Hưng Yên.
Trong buổi sáng ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại cống Xuân Quan thuộc địa bàn xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tiếp đó, đoàn công tác đi khảo sát tại cống Xuân Thụy, thuộc địa bàn xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác tiếp tục đi khảo sát thực tế tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thăng Long II và tại cống Cầu Xe, thuộc xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Sau chương trình khảo sát thực tế, chiều ngày 20/10, tại trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã làm việc với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh về đánh giá thực trạng ô nhiễm, tình hình quản lý, xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) báo cáo tổng quan tình hình ô nhiễm, những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, hiện trạng công tác quản lý xử lý nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và định hướng giải pháp.
Theo kết quả điều tra các nguồn thải nước thải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, các nguồn thải vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải gồm nước thải công nghiệp, nước thải từ các hộ chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề, nước thải từ các cơ sở y tế, nước thải dân sinh. Ngoài ra, tại đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, sinh hoạt dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua địa bàn Thành phố Hà Nội, đây được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải hiện nay. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 318 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh cùng các Bộ: Công an, Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương đã báo cáo về công tác quản lý chất lượng và sử dụng nguồn nước đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đồng thời cùng thảo luận, trao đổi, bàn giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại đây.
Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, qua kiểm tra, đánh giá thì hiện nay hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có 2 nguồn ô nhiễm chính là nước thải sinh hoạt với 72% chưa được xử lý, ngoài ra còn có nguồn ô nhiễm từ các cơ sở chăn nuôi, làng nghề và một lượng nhỏ từ các cụm công nghiệp. Mặc dù Bộ TN&MT và Bộ Công an đã xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chỉ là mức độ xử phạt hành chính, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị cần có sự quyết liệt tham gia hơn nữa từ các địa phương.
Theo Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã chọn hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để làm điểm từ đó triển khai ra các lưu vực sông khác trên toàn quốc; tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt “chỉ ở phần ngọn”, vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương. Riêng tại Hưng Yên, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã chỉ ra 84 nguồn ô nhiễm và sẵn sàng chuyển cho Hưng Yên để cùng giải quyết.
Đánh giá hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là một công trình biểu tượng trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc những năm 1959, có giá trị lịch sử sâu sắc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng đến thời điểm hiện nay cần phải chỉ rõ ra trách nhiệm cụ thể của các đơn vị, địa phương, từ đó xây dựng các giải pháp khắc phục đồng bộ; phải chỉ ra trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng địa phương trong việc xử lý các cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cùng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đề nghị đối với tất cả các nguồn gây ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nếu cố tình xả thải ra nguồn nước và nếu quá 3 lần bị xử phạt hành chính, thì nên xem xét xử lý hình sự…
Đối với Hưng Yên, tỉnh hiện nay thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; với các đơn vị có lượng xả lớn ra môi trường thì yêu cầu cột nước xả thải phải đạt cột A. Bên cạnh đó, tỉnh Hnwg Yên thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các điểm xả lớn, đặt trên 100 điểm quan trắc tự động để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa kiến nghị với Bộ TN&MT thành lập ban chỉ đạo có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương với quyết tâm lớn, bố trí nguồn lực để xử lý ô nhiễm đang tồn tại và ngăn chặn các nguồn ô nhiễm mới phát sinh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới ô nhiễm nguồn nước nói chung và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng.
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh yêu cầu sự vào cuộc sâu sát, hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thông qua cuộc khảo sát và buổi làm việc này, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xây dựng đề án về xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Về giải pháp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương, đơn vị chuyên môn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để quản lý các nguồn thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, lắp đặt các mạng lưới quan trắc nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và duy trì quan trắc thường xuyên, từ đó chỉ ra nguồn thải và có báo cáo định kỳ. Bộ trưởng giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phối hợp với các đơn vị chuyên môn rà soát lại kỹ hơn các nguồn thải đồng thời tính toán sức chịu tải của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để đưa vào lộ trình giải pháp thời gian tới.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao cam kết của các địa phương trong việc trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời đề nghị các địa phương cần có báo cáo, chia sẻ các cách làm cụ thể. Đồng thời, đề nghị kiểm soát chặt các dự án đầu tư, khu sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, thanh, kiểm tra những dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với những dự án, cơ sở mới thì bắt buộc phải có hệ thống thu gom, xử lý, yêu cầu những khu vực làng nghề cũng phải tuân thủ theo những quy định này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị thành phố Hà Nội sớm triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn quận Long Biên cũng như hệ thống thoát nước thải trên địa bàn huyện Gia Lâm để hạn chế nguồn thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng.