SGGPO
Khi doanh nghiệp không nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì đương nhiên người dân không nhận được chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc chính quyền phải đối diện với bất ổn trong xã hội do người dân khiếu nại.
Chiều 19-6, sau khi Chính phủ trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi.
Thảo luận về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu để quy định năng lực tài chính với các chủ đầu tư được cấp phép làm dự án BĐS, đảm bảo doanh nghiệp (DN) phải có đủ năng lực tài chính thì mới được làm dự án.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ chiều 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo Bộ trưởng, tình trạng BĐS không cấp được quyền sử dụng đất cho nhiều người dân trong cả nước là do các chủ đầu tư nợ tiền của Nhà nước. Trong quy định hiện hành, khi giao đất cho DN thì sau đó mới xác định tiền sử dụng đất. Nếu DN không nộp được thì phạt chậm nộp, tiền phạt chậm nộp này lại thấp hơn so với lãi ngân hàng. DN sau khi bán BĐS hình thành trong tương lai cho người dân, lấy tiền của người dân rồi mang tiền đó đi kinh doanh dự án khác, hoặc làm việc khác, nên không có tiền nộp vào ngân sách nhà nước. Khi DN không nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì đương nhiên người dân không nhận được chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc chính quyền phải đối diện với bất ổn trong xã hội do người dân khiếu nại. Do đó, sửa luật phải thiết kế những quy định để bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính của DN.
“Còn khi đã có tranh chấp giữa DN với người dân là tranh chấp dân sự, đưa ra tòa. Hiện nay, khi có dấu hiệu lừa đảo thì chúng ta cũng chỉ bắt được DN đi tù nhưng hàng chục ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân thì không ai giải quyết. Bởi khi DN chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, mà chưa hoàn thành thì đương nhiên không thể giải quyết được cho dân. Nên “mãi mãi là tình trạng” dân khiếu kiện, chính quyền thì phải lo giải quyết sự vụ, dân mất lòng tin. Do đó, nên thực hiện đúng quy định: DN nào thực hiện nghĩa vụ tài chính thì mới được giao đất, nộp tiền vào ngân sách thì giao đất, “tiền trao cháo múc”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Bình Định). Ảnh: QUANG PHÚC |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, không nên quy định vấn đề chính sách thuế vào trong dự thảo luật. Giao Chính phủ điều tiết hoạt động kinh doanh BĐS thông qua chính sách thuế là không đúng với thẩm quyền quy định, vì đây là thẩm quyền của Quốc hội, không phải thẩm quyền của Chính phủ. Điều chỉnh thuế suất phải là thẩm quyền của Quốc hội.
Thảo luận về dự thảo, nhiều ĐB đồng tình không quy định hoạt động kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch, vì điều đó sẽ hạn chế quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân, làm phát sinh thêm chi phí cho cả bên mua lẫn bên bán.
Tuy nhiên, trái với quan điểm của một số ĐB đồng tình không quy định hoạt động kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch, ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, hoạt động kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch có thể giúp thị trường BĐS minh bạch, giúp hạn chế thất thu ngân sách.
ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) cũng ủng hộ kinh doanh BĐS thông qua sàn để thị trường minh bạch, hạn chế được tình trạng các DN đưa sản phẩm BĐS chưa đủ giấy phép ra bán, kinh doanh qua sàn sẽ hạn chế được việc người dân bị lừa đảo; tránh tình trạng một BĐS nhưng được tiến hành giao dịch, chuyển nhượng ở nhiều nơi, nhiều người. Thông qua sàn cũng sẽ kiểm soát được tình trạng thổi giá của các dự án BĐS, tạo giá ảo, khiến cho người có nhu cầu mua BĐS thực sự không thể tiếp cận.
“Dĩ nhiên, không phải tất cả các hoạt động kinh doanh BĐS đều phải qua sàn, mà yêu cầu tất cả các dự án BĐS do DN đầu tư phải thông qua sàn”, ĐB Lê Kim Toàn phát biểu.
Về kinh doanh các BĐS hình thành trong tương lai, ĐB Lê Kim Toàn ủng hộ việc này nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư huy động vốn, giảm áp lực vốn, nhưng đề nghị quy định rõ thời điểm được kinh doanh các dự án BĐS hình thành trong tương lai; phải bảo đảm dự án đó khi đưa vào kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện về pháp lý, tài chính. Các BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh cũng phải giao dịch qua sàn giao dịch BĐS.
“Thực tế hiện nay, diễn ra phổ biến hình thức đặt cọc để mua BĐS trong tương lai, hợp đồng đặt cọc đó không được công chứng, nên có nhiều rủi ro, khi xảy ra tranh chấp thì khó xử lý. Do đó, sửa luật cần quy định rõ vấn đề này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, ĐB Lê Kim Toàn phát biểu.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cũng đồng tình nên có sàn giao dịch BĐS. Đồng thời cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn của nhân viên môi giới BĐS.
Theo ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng), cần thực thi nghiêm luật kinh doanh BĐS, vì hiện nay có nhiều quy định chúng ta chưa thực hiện nghiêm, khiến thị trường BĐS phát triển không lành mạnh. Đơn cử vấn đề xây dựng bảng giá đất, các quy định về môi giới BĐS thời gian qua chưa thực hiện tốt khiến thị trường BĐS thường xuyên bị làm nóng, dẫn đến bong bóng thị trường BĐS.
“Bất cứ ai cũng có thể làm môi giới BĐS, chỉ cần vài tờ rơi, vài thông tin là có thể làm môi giới, làm nhiễu loạn thị trường mà chúng ta gần như buông lỏng việc quản lý”, ĐB Trần Chí Cường nêu.